Sản xuất của trang trại đang đi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị với giá trị sản phẩm cao góp phần cải thiện thu nhập của người làm trang trại. Hiện tại, hộ kinh tế trang trại của TP.Hồ Chí Minh đã và đang tập trung đầu tư phát triển nuôi trồng cây con chủ lực theo định hướng của thành phố: chăn nuôi bò sữa, lợn; trồng hoa cây cảnh và rau an toàn; nuôi trồng thủy sản như cá cảnh, tôm…Trong những năm qua, tại TP.Hồ Chí Minh, cùng với sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp cũng có bước phát triển đáng kể.

Vùng nông thôn ngoại thành đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với loại hình tổ chức sản xuất hiện đại như kinh tế trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, doanh nghiệp…đời sống, thu nhập của nông dân được nâng cao, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Một số cá nhân, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, hình thành những trang trại có giá trị sản xuất cao, trở thành những lá cờ đầu của ngành nông nghiệp.



Chăm sóc Mai cảnh ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: NS)

Hiện trên địa bàn Thành phố có 140 trang trại, trong đó 123 trang trại hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, 17 trang trại hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chưa có hộ trang trại nào được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên nhân là do TP.Hồ Chí Minh là thành phố có tốc độ đô thị hóa cao, điều kiện sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, trong khi đó, theo quy định của Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, một trong những tiêu chí để được công nhận kinh tế trang trại là hộ dân có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu 3,1 ha. Tiêu chí này rất khó thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, do nhà nước chưa ban hành chính sách hỗ trợ phát triển dành riêng cho kinh tế trang trại nên chưa khuyến khích hộ sản xuất thực hiện đăng ký giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Các trang trại ở Thành phố có tổng diện tích là trên 254 ha và đã thu hút được trên 600 lao động. Diện tích đất phục vụ chăn nuôi là 81,87 ha, diện tích đất phục vụ nuôi trồng thủy sản là 172,6ha. Những năm qua, doanh thu bình quân của một trang trại đạt trên 1 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bình quân của trang trại thủy sản là trên 3 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy trang trại của TP.Hồ Chí Minh có doanh thu cao hơn nhiều so với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để hỗ trợ phát triển các hộ sản xuất nông nghiệp nói chung và hộ làm kinh tế trang trại nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt các chương trình phát triển cây con trọng điểm của thành phố như chương trình phát triển hoa, cây cảnh, rau an toàn, bò sữa, bò thịt, cá cảnh. Thông qua các chương trình này, các hộ làm kinh tế trang trại sẽ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển giao giống mới,…góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tham mưu Ủy ban nhân TP.Hồ Chí Minh ban hành nhiều quyết định quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Trong đó quy định các hộ trang trại vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận thì được ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất, vay vốn để đầu tư giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn thì được ngân sách Thành phố hỗ trợ từ 60%-80% lãi xuất. Tính từ năm 2006 đến nay, đã hỗ trợ cho 34.813 lượt vay, với tổng vốn đầu tư là 11.503.776 triệu đồng, tổng vốn vay là 7.069.574 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ lãi vay là 339.823 triệu đồng, trong đó có khoảng 0,5% hộ vay vốn để làm kinh tế trang trại.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tham mưu Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ các trang trại nâng cao chất lượng, tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường, quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm.

Để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp đặc thù của TP.Hồ Chí Minh là nông nghiệp đô thị, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ phải tập trung vào những vấn đề chủ yếu như sửa đổi tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo hướng có tiêu chí đặc thù cho các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh. Lý do hiện có nhiều trang trại không được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại do không đạt mức hạn điền tối thiểu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo thực tế tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều hộ trồng lan không đạt diện tích 3,1 ha, không được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, nhưng giá trị sản lượng hàng hóa rất cao, có hộ đạt trên 2 tỷ đồng/năm

Cùng với đó là phải xây dựng chính sách hỗ trợ đất đai theo hướng các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại nếu có phương án đầu tư khả thi, phù hợp với quy hoạch thì được nhà nước xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tối thiểu 10 năm.

Đồng thời phải xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng theo hướng các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại nếu có phương án đầu tư khả thi thì được xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư, được hỗ trợ 100% lãi vay trong ba năm đầu và hỗ trợ 50% lãi vay trong hai năm tiếp theo./.

NS