Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp khi đến thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn phải thực hiện thư xin lỗi theo Quyết định số 5157/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của Uỷ ban nhân dân Thành phố; kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, làm sai quy định, yêu cầu bổ túc hồ sơ ngoài quy định, trả lại hồ sơ nhiều lần.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo Hải quan)

Cùng với đó, Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính và Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố cần rà soát nội dung thực hiện các tiêu chí, tiêu chí thành phần của bộ Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (theo Quyết định số 4361/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ); đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đạt điểm tối đa để cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2017.

Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cũng khẩn trương báo cáo kết quả Khảo sát sự hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ hành chính công và các dịch vụ công để chuẩn bị cho Hội nghị chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ được diễn ra tới đây.

Được biết, trong những năm qua, Chương trình cải cách hành chính của TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Thành phố đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, công dân và doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò điều hành, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển thành phố; thực hiện nề nếp chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của cán bộ chủ chốt, cán bộ dân cử các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, mở rộng sự giám sát, trực tiếp đánh giá của công dân và doanh nghiệp đối với cán bộ công chức...

Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính của quốc gia, Chương trình cải cách hành chính của thành phố trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Một số kinh nghiệm trong sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình đột phá về cải cách hành chính thực hiện nghị quyết đại hội của các nhiệm kỳ trước chưa được đánh giá cụ thể và rút kinh nghiệm thấu đáo; một số giải pháp chưa bám sát yêu cầu thực tiễn cải cách hành chính; hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ thành phố đến cơ sở chưa vận hành thông suốt văn bản điện tử; số lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 còn ít; xã hội hóa dịch vụ công chưa thực hiện sâu, rộng; cải cách hành chính trong đảng chưa đồng bộ với cải cách hành chính trong chính quyền; một số doanh nghiệp công nghệ cao chủ lực của thành phố chưa quan tâm đầu tư, đồng hành cùng thành phố xây dựng chính quyền điện tử…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế khi thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015; căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã xây dựng Chương trình hành động về cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu như cải cách hành chính tiến hành trên cơ sở đồng bộ với thực hiện các nghị quyết và nguyên tắc của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, ứng dụng có hiệu quả thành tựu phát triển khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi nhất cho nhân dân và doanh nghiệp, góp phần tích cực phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và sự tham gia của mọi người dân vào công tác cải cách hành chính.

Xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân; đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…/.

NS