Đó là vấn đề được các đại biểu đề cập đến trong Chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 7/2019 với chủ đề “Chương trình giảm ngập nước – Sự đồng hành của người dân cùng chính quyền TP” do HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TP thực hiện vào sáng 7/7. Đến dự có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải. Trưởng ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên điều hành chương trình.
Các đại biểu tham gia chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 7/2019.

Công tác giảm ngập còn hạn chế

Tại chương trình, các đại biểu cho rằng tình trạng ngập nước đã gây ra không ít những thiệt hại, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và làm việc của người dân TP. Nguyên nhân của tình trạng này là do một phần lớn diện tích của TP hiện nay là vùng đất trũng, có cao độ thấp hơn mực nước triều. Bên cạnh đó, TP có tốc độ thị hóa nhanh nhưng hệ thống thoát nước nhiều khu vực đã được xây dựng từ lâu, xuống cấp. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, nhiều kênh rạch, vùng trũng đã được san lấp, cùng với một số lượng không nhỏ rác thải sinh hoạt bị thải xuống các hệ thống cống, kênh rạch làm hạn chế năng lực thoát nước,.. đã gây ra tình trạng ngập.

Để từng bước xoá giảm ngập nước trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Bá Thành cho biết: TP đã có nhiều giải pháp, như xây dựng tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn; xây dựng các cống kiểm soát triều và nạo vét cải tạo các trục tiêu thoát nước chính; triển khai thực hiện 5 dự án nạo vét, cải tạo các kênh rạch thoát nước với tổng kinh phí hơn 3.850 tỷ đồng. Ngoài ra, TP đang tiếp tục triển khai thực hiện 65 dự án với tổng mức đầu tư trên 10.800 tỷ đồng, trong đó 29 dự án đang thực hiện với mức đầu tư 5.348 tỷ đồng.

“Khi hoàn thành các dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ hạ được mực nước tại các kênh rạch; khắc phục được ảnh hưởng triều. Điều này, ngoài việc giải quyết được tình trạng giảm ngập do triều còn làm tăng hiệu quả thoát nước của hệ thống cống hiện hữu, sẽ cải thiện được tình trạng giảm ngập do mưa”- Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Bá Thành cho hay.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Bá Thành cũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đó là TP triển khai chậm, chưa hoàn thành đồng bộ các dự án trên nên hiệu quả chưa cao, năng lực hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu như đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, sụt lún...quy hoạch chưa đồng bộ, thông tin chưa đầy đủ, vốn, kinh phí, quản lý đô thị chưa tốt, tiến độ bàn giao mặt bằng chậm, người dân lấn chiếm, vi phạm… Dẫn đến hiệu quả công tác giảm ngập còn hạn chế mặc dù khối lượng công việc đã thực hiện là rất lớn.

Đoàn viên, thanh niên tham gia nạo vét kênh rạch, góp phần giảm ngập nước trên địa bàn TP

Ý kiến về thực trạng rác thải sinh hoạt bị thải xuống các hệ thống cống, kênh rạch gây nên tình trạng ngập nước, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM Trần Nguyên Hiền cho biết: Trong thời gian qua, người dân TP đã hưởng ứng cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”. Qua đó, người dân TP đã thực hiện chuyển giao rác, ký hợp đồng và trả chi phí thu gom rác cho đơn vị có chức năng; tham gia tổng vệ sinh thu gom rác định kỳ hàng tuần, hàng tháng,… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân ý thức chưa cao dẫn đến vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, xuống kênh rạch.

Vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường

Tại chương trình, các đại biểu cho rằng mặc dù chính quyền TP đã và đang thực hiện rất nhiều dự án, công trình,... giảm ngập nước nhưng chưa có nhiều kênh thông tin để đến được với người dân; chưa có sự kết nối giữa chính quyền và người dân, dẫn đến tình trạng hiểu khác nhau về các chương trình chống ngập nên chưa nhận được sự đồng cảm từ người dân. Bên cạnh đó, TP chưa tạo điều kiện tốt để người dân cùng tham gia; ngược lại người dân chưa ý thức được vai trò và cách thức tham gia của mình vào vấn đề giảm ngập nước, do đó dẫn đến nhiều khó khăn, hạn chế.

Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Châu Hoàng Thanh cho biết: Trong thời gian tới, hệ thống MTTQ các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới từng hộ dân, khu dân cư, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, gắn với không xả rác; phát huy vai trò MTTQ tiếp tục thực hiện tốt giám sát trong việc xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức bỏ rác không đúng nơi quy định; lắng nghe ý kiến người dân, chuyển tới cơ quan chức năng giải quyết; tuyên truyền các hộ dân cùng đồng thuận, chia sẻ với chính quyền, sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án chống ngập.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Bá Thành, trong thời gian tới, TP cần tiếp tục đẩy mạnh phương thức xã hội hoá, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để kêu gọi đầu tư các dự án chống ngập trọng điểm; thực hiện đấu thầu công trình quản lý vận hành hệ thống thoát nước theo quy định để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực thoát nước; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng bản đồ số hoá hệ thống thoát nước phục vụ công tác quản lý; xây dựng hệ thống dự báo mưa, triều để rút ngắn thời gian dự báo, phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó…

Các đại biểu HĐND TP khảo sát thực tế các tuyến kênh rạch trên địa bàn TP

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM Trần Nguyên Hiền cho rằng cần kêu gọi người dân đồng hành cùng chính quyền TP trong việc thực hiện các chương trình, dự án giảm ngập nước; vận động người dân tạo mảng xanh đô thị; vận động thu và sử dụng nước mưa nhằm giảm lượng nước chảy tràn trên mặt đường. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm hạn chế tối đa khối lượng rác thải nhựa ra môi trường và sử dụng thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Kết luận tại chương trình, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên đề nghị các cơ quan, UBND  quận, huyện tham mưu UBND TP các giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm ngập nước. Bên cạnh đó, cần khẳng định vai trò quan trọng của người dân trong chương trình giảm ngập nước, vận động nhân dân TP chung tay, đồng hành cùng chính quyền bằng các hành động cụ thể của từng cá nhân như thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm chất thải nhựa, phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định;

“Các cấp chính quyền cần vận động gia đình tích cực ủng hộ thực hiện các chủ trương chính sách của nhà nước trong đền bù giải phóng mặt bằng; hành động vì cộng đồng như tích cực tham gia các chương trình nhà nước và nhân dân cùng làm để cải tạo hẻm, cống thoát nước, công trình sống xanh…thực hiện các hành động nêu trên chính là tham gia đồng hành cùng chính quyền TP trong công tác giảm ngập nước, qua đó hoàn thành chương trình giảm ngập trên địa bàn TP một cách hiệu quả nhất” - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên nhấn mạnh./.

Theo Long Hồ/hcmcpv.org.vn