Theo đó, TP.Hồ Chí Minh xác định, xây dựng nông thôn mới là nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nông dân và dân cư nông thôn; lấy việc cải thiện, nâng cao đời sống và sự hài lòng của nông dân là thước đo cho kết quả. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân của TP.Hồ Chí Minh đã cùng nhau đồng thuận trong việc xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở TP.Hồ Chí Minh, phong trào doanh nghiệp xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, điển hình như Công ty Giống cây trồng Miền Nam đã phối hợp, liên kết với bà con nông dân tại địa bàn các huyện của Thành phố để sản xuất hạt giống ngô lai F1, gieo trồng trên 4 nghìn ha ngô giống, cung cấp cho thị trường khoảng 10 nghìn tấn ngô giống các loại, từ đó góp phần tăng sản lượng bắp thương phẩm rất lớn cho thị trường Thành phố nói riêng và các tỉnh khác nói chung, góp phần giảm chi phí nhập khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành trồng trọt và chăn nuôi của Việt Nam.

Hay như Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện điện khí hóa và hoàn thiện lưới điện cho toàn bộ 56 xã xây dựng nông thôn mới. Cải tạo và xây dựng mới trên 794 km đường dây trung thế, trên 2.600 km đường dây hạ thế; lắp đặt mới và tăng cường công suất hàng nghìn trạm hạ thế với tổng dung lượng đưa thêm vào lưới đạt trên 344 nghìn kVA, đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên từ lưới điện quốc gia đạt trên 99,8%.

Nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với trung tâm dạy nghề các huyện, chính quyền các xã đặt hàng đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Trong quá trình học tập, người lao động không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ ăn trưa, kinh phí sinh hoạt; học viên là các đối tượng thuộc diện xóa đói giảm nghèo, lao động nông thôn, các học viên được doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi hoàn thành lớp đào tạo.

Cùng với các doanh nghiệp, người dân ở vùng nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách hoàn toàn tự nguyện, nhiều hộ đã hiến đất xây dựng nông thôn mới mà không hề tính toán. Không chỉ riêng gia đình mình mà còn vận động các hộ khác tham gia hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ cộng đồng. Đó là ông Nguyễn Văn Cư, ở ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn tự nguyện hiến trên 880m2 đất để làm đường vào trường học với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Hay như ông Nguyễn Văn Xẩu, ở ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi đã hiến 800m2 đất để làm đường giao thông đồng thời vận động 5 hộ dân xung quanh cùng hiến đất để mở tuyến đường với tổng diện tích hiến đất để xây dựng tuyến đường 3.200 m2 đất.v.v…

Đường nông thôn mới ở TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: VL)

Theo Ban Chỉ đạo của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong năm 2016, Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành phố đã tổ chức 685 lớp đào tạo, tập huấn cho người dân, cán bộ các xã nông thôn mới; tổ chức 57 cuộc khảo sát học tập kinh nghiệm; xây dựng, in ấn và phát hành 32.000 tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền; 17 chương trình tiếng hát nông thôn mới, 128 chuyên trang trên báo và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố.

TP.Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư xây dựng 468 công trình, trong đó 57 công trình giao thông, 17 công trình thủy lợi, 15 công trình trường học, 13 công trình cơ sở vật chất văn hóa, hỗ trợ, sửa chữa, xây mới 363 căn nhà tình thương, tình nghĩa tại các xã nông thôn mới. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn thành phố tại 56 xã đạt trên 39 triệu đồng/người/năm.

Từ Chương trình này, TP.Hồ Chí Minh đã có trên 7 nghìn hộ vượt chuẩn nghèo thành phố, tổng số hộ nghèo còn lại của 5 huyện tính đến cuối năm 2016 là còn trên 22 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 5,5% trên tổng hộ dân. 100% hộ dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia.

Đã có 19 quận, 11 tổng công ty, 14 đảng ủy cấp trên cơ sở và 4 đảng ủy của lực lượng vũ trang của TP.Hồ Chí Minh ký kết với các huyện của Thành phố các nội dung như: hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương; giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; cấp học bổng học sinh nghèo, vượt khó; đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và các lĩnh vực khác liên quan đến giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an toàn thực phẩm, công tác chính trị xã hội; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, xây dựng thương hiệu, các hình thức liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trợ vốn cho nông dân, ngư dân, người làm muối; hỗ trợ vật tư làm đường giao thông đối với các tuyến đường có quy mô dưới 500 mét.

Được biết, năm 2017, Ban Chỉ đạo của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thẩm định, phê duyệt đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của 5 huyện và 56 xã; trình Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, thẩm định công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ đạo 5 huyện xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại…/.

K.V