Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Thành phố có 13.223 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 154.378 tỷ đồng (so cùng kỳ năm trước đã tăng 9,4% về số lượng doanh nghiệp và tăng 16,4% về vốn đăng ký).

Bên cạnh đó, có 18.345 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 126.035 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 8,7% về số lượt doanh nghiệp và tăng 53% về vốn bổ sung). Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 280.413 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa (Ảnh:VL)

Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác có số doanh nghiệp thành lập mới chiếm tỷ trọng cao nhất (37,7%) với 4.988 doanh nghiệp; tiếp theo là lĩnh vực xây dựng chiếm 10,4% với 1.374 doanh nghiệp; hoạt động khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiếm 10,1% với 1.337 doanh nghiệp; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 9,5% với 1.258 doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 6,7% với 893 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu tính về vốn vốn đăng ký kinh doanh thì hoạt động kinh doanh bất động sản lại chiếm tỷ trọng cao nhất (48,7%) với vốn đăng ký 75.246,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, ngành kinh doanh bất động sản vẫn là ngành đặc thù, tăng 31,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 50,5% về vốn đăng ký.

Bên cạnh sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Thành phố cũng khá tốt. Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 278 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 329,45 triệu đô-la Mỹ (so với cùng kỳ, tăng 31% về số dự án và tăng 54,7% về vốn đầu tư). Trong đó, Hàn Quốc có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (33,2%) với 109,52 triệu đô-la Mỹ; tiếp theo là Na Uy chiếm 21,3% với 70,08 triệu đô-la Mỹ; Singapore chiếm 14% với 45,95 triệu đô-la Mỹ; Nhật Bản chiếm 11% với 36,1 triệu đô-la Mỹ; Hồng Kông chiếm 9,2% với 30,39 triệu đô-la Mỹ.

Thành phố cũng chấp thuận cho 687 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 1,06 tỷ đô-la Mỹ (so với cùng kỳ, tăng 14,5% về số dự án và tăng gấp 2,3 lần về vốn đầu tư). Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 1,57 tỷ đô-la Mỹ (tăng 76% so với cùng kỳ).

Cũng như doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI cũng đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực bất động sản và đây là lĩnh vực có vốn đầu tư nhiều nhất (43,2%) với 460,57 triệu đô-la Mỹ./.

Tin, ảnh:VL