Khách hàng tham quan, mua sắm tại Chợ ẩm thực và mua sắm hiện đại Sense Market (TP Hồ Chí Minh)
Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện Sở Du lịch đã và đang phối hợp với các hãng hàng không để phát triển du lịch, nhất là những thị trường mới, bởi họ có nhiều thông tin về du khách, hoạt động du lịch. Trong tháng 9/2018, Vietjet Air dự kiến sẽ mở đường bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Ấn Độ. Đây là thị trường khách tương đối lớn. Khách Ấn Độ tham quan Thái Lan năm 2017 là 1,6 triệu lượt người, nhưng đến Việt Nam chỉ khoảng 170 ngàn lượt khách. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm, Sở Du lịch thành phố thông qua đơn vị tư vấn đã nghiên cứu để phát động các nhà hàng thực hiện ấn phẩm món ăn dành cho khách Ấn Độ. Thời gian qua, Sở Du lịch thành phố cũng xây dựng các sản phẩm, thực hiện chương trình quảng bá du lịch tại Ấn Độ. 

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 5/2018, khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 566.393 lượt khách, tăng 37% so cùng kỳ năm 2017; doanh thu trong tháng 5 ước đạt 9.297 tỷ đồng, tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 3,18 triệu lượt khách, tăng 32% so cùng kỳ năm 2017 và đạt 42,4% kế hoạch năm; tổng doanh thu du lịch ước đạt 51.656 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2017 và đạt 37,4% kế hoạch năm. 

Vừa qua, Sở Du lịch thành phố phối hợp với Cục thống kê thành phố điều tra thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế và nội địa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, thời gian trung bình khách lưu trú khoảng 5 ngày, chi tiêu bình quân khoảng 145 USD/ngày. So sánh với số liệu khảo sát của Tổng cục Du lịch năm 2013, du khách lưu trú tại thành phố có giảm đi, mức chi tiêu tương đương. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, lượng khách đến thành phố chỉ là tương đối, quan trọng giá trị sản phẩm của ngành phải tác động tới cộng đồng. Dẫn chứng số liệu về khách quốc tế chi tiêu tại Thái Lan năm 2016 là 47 tỷ USD, tương đương giá trị tổng sản phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thời gian lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh của khách quốc tế đã giảm từ 5,2 ngày năm 2013 xuống còn 5 ngày như hiện nay. Do vậy, cần nghiên cứu, có chiến lược về vấn này để khách đến thành phố “ăn gì, nghỉ ngơi ra sao, du ngoạn, thưởng thức cái gì…?”. 

Chia sẻ thêm thông tin tại phiên họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, sau khi thực hiện chủ trương mở cửa thông tầm (mở cửa giờ trưa) tại các bảo tàng, lượng khách đến các bảo tàng gia tăng. Đối với các thị trường khách gia tăng và tiềm ẩn phát sinh tiêu cực, Sở Du lịch thành phố đã phối hợp các sở, ngành liên quan làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để tránh phát sinh các “tour 0 đồng”. 

Thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển du lịch đường thủy; chương trình nghệ thuật phục vụ du khách; chương trình Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị; chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn.../. 

Tiến Lực/TTXVN