Sản xuất được nâng cao về chất

Mùa hoa Tết ở huyện Củ Chi (Ảnh: K.V)

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, có thể thấy, kinh tế nông nghiệp của TP.Hồ Chí Minh phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 đạt 20.973 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2017, tăng bình quân 5%/năm. Giá trị bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp tăng từ 117,5 triệu đồng/ha/năm 2008 lên 502 triệu đồng/ha/năm 2018, tăng 4,26 lần. Tổng vốn huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 10 năm thực hiện là 106.595 tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng là 72.687 tỷ đồng, chiếm 68,2%.

Cùng với đó cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa, trồng mía hiệu quả thấp sang các các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao hơn như rau an toàn, hoa cây kiểng, chăn nuôi bò sữa, lợn, nuôi tôm nước lợ, cá cảnh. Diện tích gieo trồng rau an toàn năm 2018 đạt 19.000 ha, tăng 10% so cùng kỳ, sản lượng đạt 532.950 tấn, tăng 10,2 % so cùng kỳ. Người trồng rau tại các quận, huyện đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và đã chứng nhận VietGAP cho 1.261 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác 1.236,8 ha, sản lượng 136.272 tấn/năm. Diện tích hoa cây cảnh đạt 2.395 ha, tăng 4,1% so cùng kỳ, trong đó hoa lan 375 ha, tăng 4,5% so cùng kỳ.

Lĩnh vực chăn nuôi đã chú trọng phát triển về giống và dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tập trung theo chuỗi kép kín, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn vệ sinh và an toàn dịch bệnh. Đàn bò sữa giảm nhưng sản lượng sữa bò tươi đạt 292.248 tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ và đàn bò thịt đạt 57.425 con, tăng 41,5% so cùng kỳ. Tuy đàn lợn giảm nhưng thịt lợn hơi đạt 94.500 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ và chứng nhận VietGAHP là 126.327 con. Hàng năm, sản xuất và cung cấp hơn 20.000 con giống bò sữa, 900.000 lợn con giống các loại và 1 triệu liều tinh lợn giống cho ngành chăn nuôi thành phố và các tỉnh thành khác.

Tại các vùng ngoại thành như huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, bán thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, sản lượng. Nuôi tôm nước lợ 2 giai đoạn trong nhà kín theo quy trình VietGAP. Sản lượng thủy sản đạt 63.521 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ. Đặc biệt là cá cảnh phát triển mạnh góp phần đa dạng loại hình thủy sản. Cá cảnh đạt 182 triệu con, tăng 17,4% so cùng kỳ và cá cảnh xuất khẩu trên 20,2 triệu con, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,3 triệu USD, tăng 14,5% so cùng kỳ.

Những kết quả đáng ghi nhận

Từ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, việc tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố đã được nâng lên ở một tầm cao mới.

Theo đó, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện nghị quyết, tập trung vào cơ chế, chính sách huy động và sử dụng nguồn lực để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động cùng các cấp các ngành và địa phương tập trung triển khai 750 lớp tập huấn, với hơn 44.935 lượt cán bộ cơ sở, nhân dân về kiến thức liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới. Phát hành 159 loại cẩm nang về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đô thị, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã phê duyệt 7.985 quyết định, cho 23.581 lượt hộ được hỗ trợ lãi vay; tổng vốn đầu tư 12.212 tỷ đồng; tổng vốn vay có hỗ trợ lãi vay 7.474 tỷ đồng; tổng kinh phí hỗ trợ lãi vay từ ngân sách 503 tỷ đồng. Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay cho thấy với 1 đồng từ ngân sách hỗ trợ lãi vay sẽ huy động được 24 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ ngân hàng là 15 đồng, huy động trong dân là 9 đồng. Việc triển khai thực hiện chính sách đã giúp hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, qua đó xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, như: rau an toàn (doanh thu bình quân đạt 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con doanh thu bình quân đạt 800 triệu đồng/năm), cá cảnh (doanh thu bình quân đạt 10 – 15 tỷ đồng/ha/năm)…

Nuôi lợn theo công nghệ sạch ở huyện Hóc Môn (Ảnh: K.V)

Đến nay tại 56 xã xây dựng nông thôn mới của TP.Hồ Chí Minh (giai đoạn nâng chất) bình quân đạt 15,2/19 tiêu chí xã nông thôn mới (theo bộ tiêu chí thành phố), đạt 16,6/19 tiêu chí xã nông thôn mới (theo bộ tiêu chí quốc gia) và 5 huyện bình quân đạt 4,6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Thành phố đã huy động nguồn lực với tổng kinh phí hơn 76.250 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng trên 64.664 tỷ đồng. Có 21.904 hộ dân hiến đất làm đường, với diện tích 267,5 ha, ước kinh phí 2.399 tỷ đồng. Đầu tư 9.230 công trình, trong đó giao thông 1.923 công trình, thủy lợi 445 công trình, điện 549 công trình, trường học 190 công trình, cơ sở vật chất văn hóa 476 công trình, chợ 49 công trình, siêu thị 8 công trình, cửa hàng tiện ích 93 công trình, bưu điện 30 công trình, y tế 35 công trình, nghĩa trang 11 công trình, trạm cấp nước 14 công trình và nhà ở 5.407 công trình.

Đến nay số hộ nghèo tại khu vực nông thôn Thành phố chỉ còn 9.398/352.920 hộ, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng hộ dân tại 5 huyện. Thu nhập người dân vùng nông thôn ngoại thành được tăng lên rõ rệt. Năm 2008, năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, thu nhập bình quân của người dân là 15,73 triệu đồng/người tăng lên 54,7 triệu đồng/người/năm 2018 (tăng 3,5 lần). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm, năm 2008 thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,8 lần so với nông thôn; đến năm 2010, cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2016 chỉ còn 1,39 lần.

Có thể khẳng định, việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW thông qua việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở TP.Hồ Chí Minh đã thu được nhiều kết quả khả quan, với nguồn vốn được tập trung đầu tư phát triển cho hạ tầng nông thôn, diện mạo nông thôn từng bước thay đổi khá rõ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh. Nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Nông dân đã có sự thay đổi cơ bản về tư duy, tập quán canh tác và sinh hoạt, cuộc sống được cải thiện hơn. Kinh tế tập thể được củng cố và hoạt động ngày một hiệu quả hơn, nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả được hình thành đã thúc đẩy phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn./..

K.V