10:51 11/11/2019
print  

Hiến kế phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh

(ĐCSVN) - Để các tuyến phố đi bộ đạt hiệu quả, TP có thể khai thác đẩy mạnh loại hình biểu diễn nghệ thuật đường phố, tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc, các phiên chợ hàng hóa thủ công mỹ nghệ, lưu niệm đặc trưng của Việt Nam…

Phố đi bộ Nguyễn Huệ còn chưa đa dạng các hoạt động văn hóa thu hút du khách (Ảnh: Phạm Cường)

Thiếu điểm nhấn trên các tuyến phố đi bộ

Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện không chỉ TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước việc khai thác các tuyến phố đi bộ còn rất lãng phí, chưa thực sự được như kỳ vọng. 

Theo ông Chí, đi bộ và chợ hoạt động kinh tế du lịch bao gồm cả kinh tế đêm phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo sự kích cầu, tăng trưởng cho nền kinh tế, như Thủ tướng đã nhấn mạnh về việc phát triển kinh tế du lịch đêm.

Thực tế, kinh tế du lịch đêm ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nó riêng mới chỉ là hoạt động của những tụ điểm karaoke,  quán bar, vũ trường. Một số chợ đêm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là địa chỉ cho khách du lịch đến mua sắm thì chưa có điểm nhấn đặc thù văn hóa  mà giống như phiên chợ dành cho dân địa phương hay khách nội địa, vì vậy doanh thu hiệu quả mang lại không được như kỳ vọng. 

Đặc biệt là tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, từ khi đưa vào triển khai thực hiện đến nay, doanh thu từ tuyến phố chưa được như mong muốn, chưa tạo nên điểm nhấn thường xuyên cho du khách đến tham quan, vui chơi và hưởng thụ các giá trị văn hóa, ẩm thực của địa phương.

Đi bộ không đơn thuần là hóng mát, chụp ảnh

“Câu hỏi đặt ra là tại sao những tuyến phố này chưa được như kỳ vọng? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề khai thác tuyến phố đi bộ của TP Hồ Chí Minh”. Ông Chí băn khoăn.                                                                    

Ông Chí cho rằng: Chúng ta đang hiểu chưa đủ về phố đi bộ trong du lịch, phố đi bộ được thiết lập nhưng không phải là chỉ đơn  thuần dành để giải quyết vấn đề giao thông cho người đi bộ thuận tiện, mà phố đi bộ ngoài việc để tập trung du khách đến thư giãn, giao lưu còn là nơi đến giới thiệu, quảng bá về những nét văn hóa, ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng của vùng miền tại khu vực đó, đất nước đó… Một mặt sẽ tạo doanh thu cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đây là một trong những kênh quảng bá có hiệu quả về hình ảnh điểm đến du lịch qua những nét văn hóa đặc sắc của đất nước.

Phố đi bộ Bùi Viện thực chất là phố ăn nhậu (Ảnh: HM)

Nếu có dịp đến nhiều tuyến phố đi bộ tại Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… sẽ rất dễ để thấy các tuyến phố đi bộ của họ gắn liền với hoạt động của các khu phức hợp dịch vụ mua sắm, trung tâm thương mại lớn, và cả hoạt động về kinh tế về đêm như chợ đêm giới thiệu quảng bá sản phẩm và phục vụ cho nhiều tầng lớp đối tượng du khách cả ngày và đêm. Chính vì vậy các tuyến phố đi bộ của họ hấp dẫn, thu hút đông đảo lượng khách du lịch.

“Khi người ta đã làm các tuyến phố đi bộ mục đích là tập trung một lượng khách rất lớn tạo ra cơ hội tiếp cận thuận lợi cho việc kinh doanh tiếp thị trực tiếp với khách hàng, như vậy thì mới thu hút lượng khách du lịch và kích cầu cho nền kinh tế”. Ông Chí nhấn mạnh.

“Ở Nguyễn Huệ không phải là không có dịch vụ , khu mua sắm nhưng rất hạn chế, lèo tèo một vài quán cà phê, nhà hàng khách sạn rải rác dọc các nhà cao tầng hai bên đường, không thể hiện là một điểm hội tụ khách du lịch, dọc phố không có nhiều những trung tâm thương mại lớn (trừ Union Square ở đầu Lê Thánh Tôn); còn ở đường Đồng Khởi có một số của hàng lưu niệm, ăn uống, khu mua sắm dịch vụ nhỏ xen lẫn các khách sạn, không thu hút lượng khách tập trung đi bộ dạo phố khi đến đây.

Đó là lý do vì sao chủ yếu người dân đến phố đi bộ chủ yếu là người dân xung quanh thành phố đi dạo mát do thiếu không  gian vui chơi giải trí.

Cùng với Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện ra sau nhưng hầu như chỉ với mục đích tạo điều kiện ổn định cho khách đi lại thuận lợi hơn tại khu phố tây ba lô Phạm Ngũ Lão vốn đã hình thành và tồn tại từ lâu đời, còn sản phẩm dịch vụ chỉ tập trung vào mảng giải trí với các quán bar, pub…,  thiếu các trung tâm mua sắm, dịch vụ lớn đi kèm tại chỗ, và như vậy hầu như chỉ phục vụ được lợi ích các cơ sở kinh doanh tại chỗ chứ không hỗ trợ được các ngành hàng từ nơi khác đem đến cung ứng cho du khách.

Đẩy mạnh các loại hình văn hóa "made in Việt Nam"

Ông Chí cho rằng: Để các tuyến phố đi bộ đạt hiệu quả, TP có thể khai thác thêm nhiều loại hoạt động phong phú cho phố đi bộ như đẩy mạnh loại hình biểu diễn nghệ thuật đường phố, tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc, các phiên chợ hàng hóa thủ công mỹ nghệ, lưu niệm đặc trưng của Việt Nam; phát triển hàng loạt các trung tâm thương mại, khu vực mua sắm với các sản phẩm từ cao cấp đến hàng hóa lưu niệm truyền thống phục phụ nhu cầu đa dạng của các du khách; …Như vậy sẽ tạo cơ hội liên kết liên ngành (dịch vụ - du lịch – thương mại), liên vùng (thành phố và các tỉnh) giúp tác động kinh tế du lịch từ xa.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trẻ đang cố gắng giới thiệu  các sản phẩm gốm, sứ, tranh, sơn mài, hàng tiểu thủ công mỹ nghệ truyền thống làm từ trong nước những rất khó tiếp cận đến với mặt bằng đắc địa như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ để phát triển dòng sản phẩm của mình. Thành phố cần hỗ trợ về chính sách, cơ chế để quảng bá xúc tiến, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trẻ.

Bên cạnh đó, một số chợ đêm của TP và các tỉnh như chợ đêm Bến thành cũng cần quy hoạch lại ngành hàng, dịch vụ cho phong phú,đa dạng hơn để không trở thành những điểm hội tụ hàng hóa, dịch vụ ăn uống đơn điệu.

Mô hình chợ đêm như là một khu vực chợ kinh doanh về đêm dành  cho du khách đã đem lại lợi ích cho các hộ tiểu thương buôn bán lẻ tại chỗ (như chợ đêm Phú Quốc, Vũng Tàu) đã và đang bù đắp một phần nào cho khoảng trống về kinh tế đêm. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm Việt Nam cần đưọc nâng tầm với các cơ chế, chính sách hợp lý để du khách có thể hưởng thụ trải nghiệm sản phẩm du lịch đêm cũng như ngày.

Các cơ quan tham mưu cần nghiên cứu làm sao để các hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ, thuần túy trong nhà như các loại hình vui chơi giải trí, ẩm thực, tham quan bảo tàng, khu hội chợ, triển lãm, trưng bày… có thể mở cửa ban  đêm để du khách tận dụng cả thời gian ban đêm của họ để khám phá, trải nghiệm trong hành trình lưu lại điểm đến./.

Hoàng Mẫn (ghi)