Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và bà Thi Thị Tuyến Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, phát triển kinh tế có mức tăng trưởng cao, cụ thể năm 2017 đạt 8,25% và dự báo năm 2018 sẽ là 8,35%. Mức sống của người dân được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người năm 2017 tương đương 5.880 USD. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tốc độ đô thị phát triển nhanh, lượng dân nhập cư cao cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và cơ chế chính sách quản lý đối với một đô thị lớn còn nhiều bất cập đã tạo ra bài toán khó cho công tác quản lý đô thị - xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện thành phố đang chịu áp lực quá tải hạ tầng dịch vụ cơ bản chăm sóc cho người dân cùng nhiều mục tiêu phát triển trên nhiều lĩnh vực khác. Nổi bật là tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, bảo đảm trật tự xã hội; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nhà ở, đô thị hóa và đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng xã hội… 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, hầu hết các nhóm dân cư đều được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nhưng trong quá trình phát triển đã dần cho thấy sự bất bình đẳng trong thu nhập, sự chênh lệch trong mức sống, nhà ở, y tế, giáo dục… Vấn đề này làm cho khoảng cách giữa các nhóm xã hội ngày càng rõ nét. Vì thế, thành phố cần có giải pháp cụ thể về quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; về trật tự an toàn, giao thông đô thị, phòng cháy chữa cháy, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân… 

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn quản lý xã hội hướng đến sự phát triển bền vững thì lãnh đạo các cấp ủy cần có chủ trương, chính sách đúng đắn; phải thường xuyên theo dõi sự biến đổi của cơ cấu xã hội qua đó kịp thời nắm bắt nhu cầu nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, các chủ trương, chính sách đó phải tạo ra sự đồng thuận và giữ gìn lòng tin của nhân dân; đồng thời tăng cường các biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục và đối thoại với nhân dân... 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề chung về lý luận, thực tiễn quản lý xã hội; nhận diện thực trạng các vấn đề quản lý xã hội nổi bật; vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và người dân trong việc tham gia quản lý xã hội... Nhiều đại biểu cũng gợi mở giải pháp ở góc tiếp cận chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững gắn với vai trò con người là trọng tâm; những bài học kinh nghiệm trong huy động nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang quản lý đô thị; tốc độ đô thị hóa và tình hình đầu tư các dự án bất động sản, nhất là dự án vào khu vực trung tâm thành phố. Các đại biểu cũng thảo luận và đề xuất giải pháp vấn đề bán hàng rong dưới góc độ quản lý sai lệch xã hội, một số vấn đề xã hội nổi bật về cung - cầu lao động trong bối cảnh thành phố hiện nay; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cai nghiện ma túy góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội phục vụ phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Thi Thị Tuyến Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và cho rằng ý kiến của các đại biểu có tầm quan trọng trong quản lý xã hội đối với sự phát triển toàn diện của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, giải quyết các vấn đề xã hội là giải quyết các quan hệ kinh tế với chính trị, kinh tế với xã hội, kinh tế với văn hóa và ngược lại. 

Theo bà Thi Thị Tuyến Nhung, để giải quyết vấn đề quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự liên kết từ các cấp lãnh đạo, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Tiến trình xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự chung tay tham gia của tất cả các lực lượng xã hội, trong đó tập trung vào sự chuyển đổi nhận thức, thái độ trách nhiệm của bản thân mỗi người, ở từng cương vị riêng của mình đóng góp và sự phát triển thịnh vượng chung của thành phố. 

Hội thảo "Quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh" đã chia sẻ những khó khăn mang tính đặc thù của sự phát triển của thành phố. Các đại biểu tham dự cũng thống nhất về thành tựu, tiềm năng và hạn chế - tồn tại của đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời bày tỏ sự quan tâm lớn đến các trở lực, thách thức trong tương lai, nhất là khi Thành Hồ Chí Minh phấn đấu thực hiện đồng loạt các mục tiêu chung vể đô thị thông minh, thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình./. 

Tin, ảnh: Thanh Vũ