Ngày 17/3, UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố với gần 300 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.Hồ Chí Minh nhanh, bền vững”.

Tham dự có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện.

Chia sẻ cùng lãnh đạo Thành phố, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp đều có cùng nhận định lãnh đạo Thành phố đã lắng nghe, nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc và có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Thành phố và doanh nghiệp cả nước chủ yếu là vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế, cần nhiều hơn nữa các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn.

Doanh nghiệp chia sẻ tâm tư tại buổi gặp gỡ

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố cho rằng: “Khi chính quyền đã lắng nghe doanh nghiệp và có sự điều chỉnh quy định thì việc điều chỉnh ấy cũng phải nhanh chóng đi vào cuộc sống mới có hiệu quả”.

Cùng suy nghĩ này, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố cho rằng, hiện nay Trung ương và chính quyền Thành phố đã kịp thời trong ban hành các chính sách mới hoặc điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tế hoạt động của doanh nghiệp nhưng khi xuống đến các sở - ngành chức năng và các địa phương thì hay bị ách tắc. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại. Do đó, bà Chi đề nghị lãnh đạo các sở - ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong lĩnh vực của mình khi thực thi hành chính công, từ đó mới có thể giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp một cách triệt để, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và các Hiệp hội cũng trình bày các ý kiến liên quan đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển du lịch Thành phố, doanh nghiệp nhanh chóng đấu thầu đưa sản phẩm an toàn vào trường học… Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, quy định lại về diện tích nhà ở…

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, những năm qua kinh tế tư nhân đã trở thành một động lực trực tiếp của Thành phố, hiện chiếm 53,6% tổng giá trị GDP Thành phố, và 67,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Lãnh đạo Thành phố trò chuyện thân mật với doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ

Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng 42%. Năm 2017, doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng 200%. Thành phố được xếp thứ 2 trong số 10 Thành phố năng động nhất thế giới. Trong số 4 doanh nghiệp Việt Nam được xếp hạng trong nhóm 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đều có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư và kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp góp phần vào việc xây dựng Thành phố ngày càng phát triển, sớm trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ, UBND Thành phố đã đưa ra danh mục 127 dự án có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng thuộc các nhóm dự án trọng điểm cấp quốc gia và các dự án xã hội hóa. Trong đó, có 46 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật, 5 dự án giảm ngập nước, 2 dự án nông nghiệp, 18 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 7 dự án giáo dục, 44 dự án văn hóa và thể thao, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư góp phần chung tay với Thành phố sớm triển khai các dự án.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, lãnh đạo Thành phố ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh. Thành phố cam kết tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. 

“Thành phố cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Lãnh đạo Thành phố sẽ giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian để đi thực tế nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng cam kết các chính sách đặc thù mà Thành phố đang nghiên cứu, triển khai sẽ góp phần làm doanh nghiệp lớn mạnh bền vững hơn, tuyệt đối không cản trở hay tạo gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của Thành phố để có những con số tăng trưởng ấn tượng như năm 2017: thu hút đầu tư đạt 365.710 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 348.000 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài trong 2 năm 2016-2017 đạt 10,06 tỷ USD, gần bằng với thu hút trong 5 năm 2011-2015 là 10,36 tỷ USD.

Theo Bí thư Thành ủy, năm 2018 là năm đầu tiên Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, hiện UBND Thành phố đã xây dựng đề án ủy quyền cho các sở - ngành, thủ trưởng các sở - ngành, UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, trong năm 2018 để triển khai đề án “Xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025”, Thành phố sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp cấp Thành phố. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng trung tâm an toàn, an ninh thông tin. Đây là nền tảng cho Thành phố phát triển hướng tới 4 mục tiêu của đô thị thông minh là đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt; người dân và tổ chức xã hội tham gia quản lý và giám sát.

Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, sau hội nghị này, dự kiến tháng 10, Thành phố sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố tổ chức “Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh”. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Bí thư Thành ủy khẳng định, lãnh đạo Thành phố luôn sát cánh, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, luôn ý thức chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp Thành phố cũng cần kịp thời phản ánh, góp ý những nội dung mới, vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh với lãnh đạo Thành phố để từ thực tiễn của doanh nghiệp, Thành phố đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ cho yêu cầu phát triển Thành phố, phát triển đất nước./.

Tin, ảnh: VL