Doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: vasc.com.vn)

Qua đây cho thấy số lượng các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tăng 26,99% so với năm 2011, tương đương tăng 134.421 đơn vị và bình quân hàng năm tăng khoảng 4,90%. Tổng số lao động trong các đơn vị gần 4,1 triệu người, tăng 19,04% so với năm 2011, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 3,55%. Tốc độ phát triển các cơ sở kinh tế tăng cao hơn so với các đơn vị hành chính sự nghiệp, với mức tăng là 26,99% về số cơ sở và 10,04% về số lao động so với năm 2011.

Cụ thể, đối với khối doanh nghiệp, hợp tác xã, tính đến hết năm 2016, toàn Thành phố có 172.979 doanh nghiệp và hợp tác xã, tăng 61,86%, tương ứng 66.089 doanh nghiệp so với năm 2011. Trong đó, loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn có bước phát triển vượt bậc so với các loại hình còn lại, đạt 65,35%, chiếm 97,36% trong tổng số doanh nghiệp toàn Thành phố. Tổng nguồn vốn của khối doanh nghiệp này tăng 2,11 lần, tương ứng 3.262.149 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu tăng 3,23 lần, chỉ tiêu doanh thu thuần gấp 1,56 lần so năm 2011. Đây cũng là khu vực tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.

Số liệu điều tra cũng đã chỉ ra, mặc dù số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô doanh nghiệp thì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.Xét về hiệu quả thông qua chỉ tiêu lợi nhuận còn khá hạn chế. Trong tổng số 171.655 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có 64.607 doanh nghiệp hoạt động có lãi, chiếm 37,81%; 96.936 doanh nghiệp bị thua lỗ, chiếm 56,49%; số còn lại kinh doanh hòa vốn. Tỷ lệ các doanh nghiệp thua lỗ sau 5 năm có xu hướng tăng lên, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tăng 2,87%, số doanh nghiệp có lãi lại giảm từ 43,30% năm 2011 xuống còn 37,41% năm 2016. Tương tự, với doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi là 81,79%, giảm 0,71%, tỷ lệ doanh nghiệp bị thua lỗ từ 16,6% năm 2011 tăng lên 17,65% năm 2016./..

NS