Đề xuất thêm nhiều phố đi bộ

Phố đi bộ Nguyễn Huệ được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2015 và từ khi trở thành phố đi bộ, phố Nguyễn Huệ có nhiều thay đổi về diện mạo thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan và vui chơi.

Từ những kết quả này, mới đây Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh xây dựng đường Lê Lợi tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành các phố thương mại, mua sắm và kết hợp vòng xoay trước chợ Bến Thành - quảng trường đi bộ.

Không gian đi bộ cũng được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đề xuất mở rộng sang hướng Đông (phía sau Nhà hát Thành phố) thành khu vực buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23/9.

Người dân dạo chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Phạm Cường

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, mặt bằng đường Lê Lợi (đoạn từ vòng xoay chợ Bến Thành đến Nhà hát thành phố) sẽ được Ban quản lý đường sắt đô thị bàn giao ngay trong năm 2019. Vì vậy, cảnh quan cho trục đường này cần nghiên cứu thiết kế nhằm tái lập không gian và hoạt động đường phố.

Sở Kiến trúc - Quy hoạch TP cho rằng, ở giai đoạn đầu, việc thiết kế cảnh quan sẽ tập trung quanh công viên Nhà hát thành phố (đoạn từ Hai Bà Trưng đến giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi); đồng thời nghiên cứu phân khu chức năng và bổ sung một số hạng mục cây xanh, tiện ích trên trục đường Nguyễn Huệ nhằm đáp ứng nhu cầu người dân ngay trong năm tới.

Tại công viên Nhà hát Thành phố và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Sở Kiến trúc - Quy hoạch TP đề xuất bố trí đài phun nước phun hoặc tràn, vườn hoa, các chi tiết nghệ thuật, kiến trúc kết hợp các yếu tố về ánh sáng, âm thanh, màu sắc...

Giai đoạn 2, sẽ hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của trục đường Lê Lợi (đoạn tiếp từ giao lộ với đường Nguyễn Huệ đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23/9. Sau đó, kết nối, định hình toàn bộ không gian công cộng, kết hợp không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt. Nhất là phương án kết nối không gian các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng.

Như vậy, theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm các đường kết nối tạo thành “siêu” phố đi bộ.

Cần quản lý, giải quyết xử lý đúng, hiệu quả

Từ đề xuất thành lập siêu phố đi bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Trưởng bộ môn Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, khác với đường Nguyễn Huệ đa phần là công ty, khách sạn, còn đường Lê Lợi có hàng nghìn nhà dân hai bên, nếu biến nơi đây thành phố đi bộ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Hòa, về nguyên tắc, tổ chức không gian vui chơi giải trí nhưng không được làm ảnh hưởng đến đời sống người dân tại chỗ và xung quanh. Ngoài ra, khi kéo dài phố đi bộ từ Nguyễn Huệ sang Lê Lợi, sẽ thu hút lượng người đổ về rất đông. Thành phố phải có đội ngũ đảm bảo an ninh, trật tự khổng lồ và cần có thêm nhiều bãi giữ xe, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn uống... "Những vấn đề này đã phát sinh từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động, giờ mở rộng sẽ càng phức tạp", GS.TS Nguyễn Minh Hòa bày tỏ.

Cùng quan điểm với GS.TS Ngô Minh Hòa, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tạo thêm không gian đi bộ cho người dân là tốt, song biến trục đường Lê Lợi thành phố đi bộ như mô hình đường Nguyễn Huệ lại là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng. Bởi, hình thành không gian đi bộ lớn, cần phải dự trù phương án thoát hiểm cho hàng triệu người trong trường hợp xảy ra sự cố. Mặt khác, đường giao thông trên phố Nguyễn Huệ chỉ giao cắt với các đường nhỏ dạng xương cá nên không ảnh hưởng nhiều đến giao thông. Trong khi trục Lê Lợi giao cắt với 2 trục đường lớn là Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vì vậy, chắc chắn sẽ gây trở ngại trong việc đi lại của người dân…

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khi trục Lê Lợi bị biến thành phố đi bộ, khu trung tâm TP Hồ Chí Minh sẽ bị cắt làm đôi, các phương tiện đi lại khu trung tâm TP Hồ Chí Minh phải đi vòng đến hết đường này mới quay lại được. Nếu không có hệ thống đường vành đai tốt sẽ rất lúng túng khi xảy ra sự cố, đơn cử như xe cứu hỏa không có đường chạy vào và người bên trong không có đường chạy ra, vô cùng nguy hiểm. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, giao thông công cộng kết nối chưa tốt, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo của người dân; rồi đường cho taxi đưa đón người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, lối cho người khuyết tật vẫn còn nhiều bất cập... Vì thế có thể thấy, giao thông khu vực xung quanh hiện không thể đáp ứng được một “siêu” phố đi bộ quy mô lớn. 

Ý tưởng quy hoạch các tuyến phố đi bộ liên hoàn (màu xanh lá)
ở trung tâm TP Hồ Chí Minh Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Cùng quan điểm không ủng hộ làm "siêu" phố đi bộ, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho biết, phố đi bộ là nguyên cả một tuyến phố, là không gian công cộng chỉ dành cho người đi bộ và cấm xe hoàn toàn. Nếu quy mô đường đi bộ quá lớn sẽ lấn vào hoạt động của đường giao thông, gây trở ngại cho các loại xe lưu thông ra vào khu trung tâm.

TS Võ Kim Cương đề nghị thành phố cần nghiên cứu kỹ đề xuất và cần ưu tiên đất cho giao thông vì khu trung tâm vốn thường xuyên kẹt xe. TS Võ Kim Cương cho rằng, trong tương lai, khi các công trình, dự án cao tầng mọc lên, thành phố có thể tận dụng khối đế sát phía ngoài để làm đường đi bộ trên cao từ ga metro nối đến Bến Thành, kết nối các dịch vụ thương mại, vừa làm phong phú không gian phố đi bộ, vừa đảm bảo kết nối giao thông. Còn trong bối cảnh hiện nay, hình thành trục, tuyến đi bộ dưới đất dài như vậy không ổn...

Ở một quan điểm khác là đồng tình với đề xuất xây dựng không gian đi bộ tại khu vực nội đô, PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, các thành phố lớn đều phát triển phố đi bộ. Nhưng hiện nay, người dân đang hiểu lầm rằng làm phố đi bộ là khóa khu nội đô lại, không cho phương tiện lưu thông. Thực tế các tuyến đường trong quy hoạch sẽ dành không gian ở giữa cho người dân đi bộ, 2 bên tổ chức cho xe lưu thông bình thường, như mô hình đường Nguyễn Huệ hiện nay.

Tuy nhiên để thực hiện được “siêu” phố đi bộ, cần có lộ trình cụ thể, song song, đồng bộ cùng việc phát triển hệ thống giao thông công cộng và xây dựng các bãi đậu xe ngầm. “Trong tương lai, đường Nguyễn Huệ, có thể phải làm để làm bãi giữ xe hoặc cho xe lưu thông phía dưới, người đi bộ phía trên. Không đào đường hầm là sai lầm lớn nhất khi làm tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay. Đường Lê Lợi muốn thành phố đi bộ phải có đường hầm thì mới hiệu quả còn nếu không cải thiện được hơn thì đừng tiếp tục đi theo vết xe đổ”, PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa đề xuất.

Cùng quan điểm này, Kiến trúc sư Phạm Phú Cường cho rằng, tăng không gian đi bộ trong khu trung tâm là giải pháp nhằm hạn chế lượng xe cá nhân lưu thông vào nội đô. Việc này nằm trong lộ trình đã được thành phố đưa vào quy hoạch từ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, nếu theo mô hình phố đi bộ như đường Nguyễn Huệ hiện nay, để một khoảng lớn ở giữa cho người đi bộ, xe cộ vẫn lưu thông hai bên thì vừa không đạt được mục đích hạn chế xe cá nhân, vừa không khai thác tối ưu các hoạt động kết nối thương mại giữa du khách đi bộ và các cửa hàng hai bên đường.

Kiến trúc sư Phạm Phú Cường cho rằng, phương án tạo cụm đường đi bộ Nguyễn Huệ - Đồng Khởi gần nhau sẽ hợp lý hơn tuyến Nguyễn Huệ - Lê Lợi, nhưng có nhược điểm là xe cá nhân vẫn có cơ hội lưu thông nhiều vào nội đô qua các tuyến đường khác. Và phương án tốt nhất vẫn là giao thông ngầm. Chỉ khi các tuyến metro hình thành, hệ thống xe buýt phát triển thì mới có thể tính nhiều phương án thiết kế phố đi bộ…

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cũng đề xuất nên chia nhỏ thành nhiều khu vực đi bộ và chia ra nhiều giai đoạn kết nối. Khi người dân đã hình thành thói quen đi bộ, giao thông công cộng phát triển hơn có thể kết nối từ khu này qua khu kia sẽ tạo thành tuyến phố đi bộ liền mạch, phong phú hơn…/.

Phạm Cường