Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu và đại diện các sở, ngành, quận/huyện, các đơn vị cùng đồng hành với Thành phố về đề án này.

Báo cáo tại buổi công bố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Đề án có tầm nhìn đặt người dân làm trung tâm của đô thị, được hiểu là người dân sẽ có chất lượng sống tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát và xây dựng thành phố.

Theo ông Tuyến, đô thị thông minh tạo cơ hội để Thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như công nghiệp vi mạch. Tận dụng dữ liệu mở, người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao. Kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VL)

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết Đề án từ khi thai nghén đến nay đã hơn 1 năm và trước mắt sẽ thí điểm tại quận 1 và quận 12. Theo đó, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng... Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập. Thành phố thông minh cũng giúp chính quyền sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai.

Cụ thể hơn trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.

Trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế... Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực hiện nhanh hơn, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng được hạn chế.

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đánh giá được các nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng. Các giải pháp ứng dụng sẽ cho phép người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm để có thể yên tâm hơn.

Trong lĩnh vực môi trường, khi Thành phố giám sát được chất lượng môi trường theo thời gian (gần) thực thì sẽ nhanh chóng hơn có biện pháp xử lý các tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho Thành phố như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp. Các kênh thông tin tương tác theo thời gian thực giữa chính quyền và người dân cũng giúp các nhà cung cấp những dự báo, cảnh báo về khả năng xảy ra ngập cũng như các kiến thức về phòng chống ứng phó với ngập lụt.

Về lĩnh vực an ninh trật tự, người dân và doanh nghiệp được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Các cơ sở dữ liệu được số hóa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photo nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục.

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị cho người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

Ông Tuyến cho biết, vận hành một đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh đòi hỏi việc phải có đầy đủ các thông tin đa chiều để điều phối xử lý, dự báo, hoạch định chiến lược. Do đó, ưu tiên hàng đầu là phải xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố. Đây được cho là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công trung tâm điều hành Thành phố thông minh - là nơi khai thác tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực giúp xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc công bố đề án này hôm nay thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo Thành phố nhằm đem lại cuộc sống, môi trường… tốt hơn cho người dân TP.Hồ Chí Minh.

“Xây dựng thành phố thông minh là phải có tầm nhìn: Lãnh đạo có tầm nhìn, doanh nghiệp có tầm nhìn, mà người dân cũng có tầm nhìn về sứ mạng của mình. Nhìn dài hạn hơn, nói thành phố thông minh là phải đạt hiệu quả cao. Làm thế nào để kết hợp các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, liên kết lại để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực vẫn không thay đổi….”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay sau Hội nghị, Ban Điều hành Đề án sẽ cụ thể kế hoạch từng năm để tổ chức thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, xã hội nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án; đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp vi mạch; tăng cường đầu tư và phát triển thị trường cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin.

Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố, từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách…“Nếu như Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm phát triển TP.Hồ Chí Minh được xem như động lực trực tiếp thì việc xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh được xem như một đòn bẩy để Thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống - chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Đây còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh./.

VL