Theo Sawaco, sau khi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trong những năm qua đã được kéo giảm. Cụ thể, nếu như năm 2012 là gần 37%, thì đến năm 2016 chỉ còn hơn 29% tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch. Tuy nhiên, tỷ lệ thất thoát, thất thu tính trên tổng khối lượng nước sạch gia tăng thì lượng nước sạch mất đi năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là một nghịch lý, vì càng cấp nhiều thì lượng nước sạch hao hụt càng tăng.

Năm 2012, Sawaco cung cấp cho thành phố (TP) 325 triệu m3 nước sạch, với tỷ lệ thất thoát gần 37%, tương đương 117 triệu m3/năm. Sau nhiều nỗ lực, năm 2016, Sawaco đã nâng sản lượng cung cấp nước sạch cho toàn thành phố lên 626 triệu m3 (tính tròn), đồng thời kéo giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu từ nước sạch xuống còn 29%. Nếu xét về con số thống kê thì đây là một thành tích tốt, thế nhưng khi nhìn vào bản chất của nó thì tỷ lệ thất thoát lại tăng mạnh, hơn 180 triệu m3/năm (khoảng 500 nghìn m3/ngày). Tính ra mỗi ngày Sawaco mất vài tỷ đồng và lượng nước lãng phí tương đương với công suất của hai nhà máy nước BOO II Thủ Đức (300 nghìn m3/ngày) và Kênh Đông I (200 nghìn m3/ngày).

Lý giải về tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tăng cao, Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bạch Vũ Hải cho rằng, nguyên nhân là do hệ thống đường ống vận chuyển nước quá xa đã gây thất thoát lớn. Chẳng hạn, đường mặt ống từ Nhà máy nước Tân Hiệp đến huyện Cần Giờ dài hơn 60 km; hệ thống đường ống cấp I quá cũ; tiền đầu tư ít ỏi và mặt đường thường xuyên bị các đơn vị khác như: giao thông, viễn thông, điện lực đào lên, lấp xuống làm vỡ đường ống cũng gây thất thoát nước sạch. Một nguyên nhân khác mà đại diện Sawaco cũng thẳng thắn nhìn nhận là do công tác quản lý còn yếu kém, chưa ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý hệ thống và đồng hồ nước… Có điều bất hợp lý là để giảm được 7% tỷ lệ thất thoát nước sạch (giai đoạn 2011-2015), Sawaco đã chi ra gần 3.500 tỷ đồng và lượng nước thất thoát những năm qua được tính vào giá thành, bắt người tiêu dùng phải gánh. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ lệ thất thoát nước sạch ở thành phố còn 29% là quá cao và Sawaco tính phần này vào giá nước khiến người dân phải trả tiền cao hơn là không thể chấp nhận được. Sawaco phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn và dứt khoát đến năm 2020 phải kéo giảm tỷ lệ thất thoát xuống còn 10%.

Không thể phủ nhận là những năm qua Sawaco đã nỗ lực đưa nước sạch về vùng sâu, vùng xa và các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ và Nhà Bè… Đến cuối năm 2016, đã có 100% số hộ dân TP (tương đương hơn 1,9 triệu hộ) đã được cung cấp hoặc tiếp cận nguồn nước sạch. Kết quả này, theo Sawaco, đã “về đích” trước so với mốc thời gian mà Nghị quyết HĐND thành phố Hồ Chí Minh đề ra là bốn năm và trước gần 10 năm so với quy hoạch cấp nước của thành phố, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 đã đề ra.

Tuy nhiên, người tiêu dùng ở thành phố vẫn còn băn khoăn là nước máy hiện nay chưa thể uống trực tiếp được. Theo giải thích của Bí thư Đảng ủy Sawaco Trần Văn Khuyên, là do quá trình vận chuyển xa, nhiều đoạn ống cũ…, làm cho chất lượng nước ở đầu nhà máy và cuối đường ống không như nhau. Sawaco đang nỗ lực bảo đảm nguồn nước sạch có thể uống trực tiếp tại vòi như các nước phát triển, trước tiên là ở các quận trung tâm, nơi có nhiều khách du lịch nước ngoài như quận 1, 3, 5… Còn theo các chuyên gia và Hội nước TP Hồ Chí Minh, thì nguồn cấp nước hiện tại mà Sawaco đang bơm về nhà máy để xử lý đang gặp một số vấn đề như: Khu vực lấy nước bị mặn xâm nhập; nguồn nước ô nhiễm do chất thải công nghiệp; nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý cao (87% xả thẳng vào môi trường, sông, rạch), kể cả các yếu tố xử lý nước bằng chất khử… cũng chưa thật sự an toàn. Đây là thách thức không nhỏ đối với Sawaco trong việc nâng cao chất lượng nguồn nước sạch để cung cấp cho hơn 1,9 triệu hộ khách hàng tại TP.

Đại diện Sawaco cho biết, đầu năm 2016, mặn xâm nhập sâu vào sông Sài Gòn đã lên đến 358 mg/lít (vượt xa quy chuẩn Việt Nam là 250 mg/lít), khiến Nhà máy Nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước trong 10 giờ. Báo cáo của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho thấy, thời điểm tháng 2-2016, độ mặn đã tăng 53% so với cùng kỳ năm 2015, ảnh hưởng lớn đến các trạm cấp nước trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ trên sông Sài Gòn ở thời điểm này cũng cho thấy, mặn vào sâu 20-30 km so với cùng kỳ các năm. Các mẫu nước lấy vào thời điểm thủy triều lớn những năm gần đây đều có dấu hiệu bị ô nhiễm. Điều này chứng tỏ nguồn nước tại các dòng sông không chỉ bị nhiễm mặn mà còn bị ô nhiễm. Trong khi đó, hầu hết các nhà máy nước tại TP đều lấy nước từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Sawaco cho biết đã có phương án dài hạn thay đổi điểm lấy nước và nguồn nước (có thể từ các hồ Thác Mơ, Dầu Tiếng, Phước Hòa và Trị An); tăng công suất Nhà máy nước Kênh Đông để hỗ trợ nước cho Nhà máy nước Tân Hiệp; có kế hoạch vận hành các trạm giếng ngầm để sẵn sàng cấp nước trong tình trạng các khu vực lấy nước có sự cố. Riêng việc sử dụng clo để khử trùng nước hiện nay vẫn chưa loại bỏ được ô nhiễm vi lượng và một số chất khác. Vì vậy, các chuyên gia ngành nước kiến nghị Sawaco khẩn trương thay đổi công nghệ xử lý nước theo hướng ưu tiên dùng công nghệ sinh học, giảm sử dụng clo để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trong buổi làm việc với Sawaco gần đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Y tế thành phố và Sawaco phải phối hợp chặt chẽ để xử lý nước từ đầu nguồn; các nhà máy phải trang bị phòng kiểm nghiệm nước hiện đại; nước phải đủ tiêu chuẩn để uống tại vòi, chậm nhất đến tháng 3-2017 Sawaco phải có lộ trình cụ thể.

Thực tế cũng chỉ ra, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không độc quyền, có nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh nước sạch… thì mới có thể hy vọng giá nước sạch giảm, chất lượng nước tăng. Trước mắt, Sawaco tập trung xây dựng ngay các hồ dự trữ nước vừa có tác dụng điều tiết, vừa tạo cảnh quan sinh thái, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân TP.

Lê Thẩm/ND