Nghị định 74/2019/NĐ-CP là một niềm vui lớn đối với  người lao động (NLĐ) và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người dân.

Cụ thể, theo Nghị định 74, NLĐ được vay mức tối đa là 100 triệu đồng (mức cũ, tối đa là 50 triệu đồng). Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 NLĐ được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mức cũ, tối đa 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng trên 1 lao động). Thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Theo đó, đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Về lãi suất vay vốn, tăng lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động thông thường từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (6,6%) như hiện nay lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%).

Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm việc làm cho NLĐ, đồng thời có ý nghĩa quan trọng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn để ổn định sản xuất, tạo thu nhập cho NLĐ.

Giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ 


 Bà Lê Thị Anh Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tích UBND huyện Nhà Bè.

Là một huyện triển khai hiệu quả Nghị định 74, trong thời gian qua, huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) đã tích cực tổ chức, triển khai cho vay giải quyết việc làm, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện đã phát vay cho 515 hộ với số tiền là gần 33 tỷ đồng (trong đó nguồn quay vòng là 12 tỷ, nguồn vốn cấp mới là 22 tỷ đồng). Tổng dư nợ nguồn vốn là  gần 105 tỷ đồng với 2484 hộ vay vốn (trong đó nguồn địa phường là gần 60 tỷ đồng). Nợ quá hạn 0,2 % trên tổng dư nợ.

Bà Lê Thị Anh Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Nhà Bè cho biết, Nghị định 74 sửa đổi bổ sung so với Nghị định 61 có nhiều ưu điểm hơn, như: Nguồn vốn cho vay cao hơn, thời gian dài hơn, các ngành nghề được vay mở rộng hơn, thủ tục giải ngân nhanh chóng kịp thời đáp ứng nhu cầu, kế hoạch sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn; giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ. Đây cũng là chính sách lớn của Nhà nước để người dân có kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Bà Lê Thị Anh Thư chia sẻ, việc cho vay vốn kịp thời sẽ giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ trên địa bàn. Từ đó, vốn vay được sử dụng hiệu quả, tập trung vào các ngành nghề khác nhau, giúp hộ khó khăn có việc làm ổn định, tăng thu nhập để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, với mức vay vốn tạo việc làm được nâng lên gấp đôi như hiện nay, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân lúc thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc nâng mức cho vay sẽ góp phần hạn chế nạn cho vay “tín dụng đen” như hiện nay.

Ngoài ra, việc cho vay vốn được địa phương rà soát, thẩm định kỹ, cho vay đúng đối tượng, đảm bảo đúng mục đích nên việc thu hồi thuận lợi và nợ quá hạn thấp. Với nguồn vốn này đã giúp cho các hộ vay để kinh doanh, buôn bán nhỏ, chăn nuôi, sản xuất, làm dịch vụ, sửa chữa nhà, xây nhà trọ...đã giải quyết việc làm cho người dân để phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, huyện đã giải quyết việc làm cho 6500 lượt lao động, trong đó đã giải quyết việc làm tại chỗ thông qua nguồn vốn gần 1000 lượt lao động, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo tại địa phương. Cụ thể, mỗi năm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo của Nghị quyết Đảng bộ huyện Nhà Bè và Thành phố giao, hộ nghèo của huyện chỉ còn 178 hộ, chiếm tỷ lệ 0,3%, đặc biệt hiện nay trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo, cận nghèo.

“Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định 74 của Chính phủ. Trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai cho vay sâu rộng tới các hộ dân. Đồng thời, tuyên truyền để người dân sử dụng các nguồn vốn vay đúng mục đích, nhằm phát triển kinh tế gia đình, để tạo được thu nhập ổn định và đặc biệt để thoát nghèo. Từ đó, sẽ không còn hộ khó khăn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu vay vốn của hộ dân trên địa bàn còn nhiều, nguồn vốn cấp mới không đủ cung cấp cho nhu cầu hộ cần vay, do đó việc bố trí đủ nguồn lược đáp ứng nhu cầu vay vốn theo Nghị định 74 là cấp thiết” – Bà Lê Thị Anh Thư nhấn mạnh.

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm

 Mô hình nuôi tôm hiện đại của gia đình anh Thanh Hùng.
Ông Lê Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè đưa chúng tôi đến thăm anh Thanh Hùng sinh sống tại số nhà 1454 Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp phước, huyện Nhà Bè - một ví dụ điển hình về việc sử dụng hiệu quả vốn vay để xây dựng mô hình nuôi tôm.

Tại đây, chúng tôi thật sự ấn tượng với cánh đồng nuôi tôm của các bà con đặc biệt là mô hình nuôi tôm của gia đình anh Thanh Hùng. Từ năm 2017, để bắt đầu nuôi tôm anh đã vay vốn từ Nghị định 74 với số tiền là 50 triệu. Theo đó, từ vùng đất đầm lầy, hoang vắng, anh Thanh Hùng đã xây lên một mô hình nuôi tôm quy mô trên diện tích 2500m2, với nhiều thiết bị máy móc hiện đại.

Anh Thanh Hùng cho biết: “Mô hình nuôi tôm của anh đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Hiện nay, anh đã có hơn 100 ngàn con giống, lợi nhuận mỗi vụ khoảng 100-150 triệu đồng (1 vụ khoảng 3 tháng). Đồng thời, mô hình này đã tạo công ăn việc làm 3 người với thu nhập bình quân khoảng 7triệu đồng/1 người/tháng. ”

Anh Thanh Hùng hi vọng: Trong tương lai để mở rộng sản xuất, anh sẽ vay thêm mở rộng mô hình nuôi cua công nghệ cao trong hộp. Đây là mô hình mới, anh sẽ triển khai trong tháng 7/2020. Anh cũng mong sẽ có nhiều nguồn vốn mở rộng sản xuất, giúp đỡ cho bà con, hộ dân nhân rộng mô hình trên, tạo công ăn việc làm mới cho người dân.

Theo anh Thanh Hùng, nguồn vốn sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người dân. Với mức vốn vay phù hợp, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với nhiều điều kiện thích hợp như: không thế chấp, lãi suất thấp, thời gian cho vay kéo dài, thủ tục tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi đã làm kinh tế thì vốn bao nhiêu cũng không đủ, dù ít hay nhiều thì qua nguồn vốn này, giúp các hộ nông dân duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác trong xã với thu nhập khá ổn định. Muốn làm lớn hơn phải có vốn, mà đi vay ngân hàng thì không có thế chấp. Do đó, việc Chính phủ tăng gấp đôi định mức thực sự là điều kiện rất tốt cho những người bắt đầu có ý định khởi nghiệp.

Qua những nguồn vốn vay ưu đãi chính sách, nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động ở khu vực nông thôn… có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
CM