Đại biểu Quốc hội Trần Trọng Nghĩa trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường cho các mục đích kinh doanh trái phép là vấn nạn không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà còn đang diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước hiện nay. Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè thực chất cũng là “ăn cắp của công”, ăn cắp không gian phục vụ cho lợi ích trái phép. Bởi vỉa hè là tài sản công cộng, việc chiếm dụng vỉa hè để sử dụng sai mục đích chính là xâm hại lợi ích công cộng và lợi ích của người khác - lợi ích của những người đi bộ, những người đi trên đường. 

“Lẽ ra người dân có quyền đi bộ trên vỉa hè để đảm bảo an toàn thì do việc chiếm dụng vỉa hè mà đẩy họ xuống lòng đường, rất mất an toàn. Phải khẳng định, đây là những hành động trái pháp luật và có hại cho người khác, cho xã hội” - ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc chiếm dụng vỉa hè nhằm mục đích kinh doanh cá nhân đã là sai. Tuy nhiên, bản thân những người lấn chiếm lại tự cho mình cái quyền tùy ý sử dụng phần không gian đã chiếm dụng được đó, thậm chí họ sẵn sàng quát mắng, xua đuổi những người lỡ đứng trước cửa hàng của họ, với lý do làm cản trở việc bán buôn. 

Chia sẻ về việc chính quyền quận 1, TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã ra quân quyết liệt, tạo một sự đột phá mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh trật tự, an toàn trên các tuyến phố, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, ông Nghĩa cho rằng: Đó là việc làm cần thiết. Đi đầu từ quận 1, phong trào đã có sự lan tỏa mạnh mẽ không chỉ các quận, huyện khác trong địa bàn mà cả các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. 

Trước việc quyết liệt triển khai dẹp bỏ những vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của quận 1, dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu quy trình xử lý các công trình lấn chiếm lòng, lề đường ở quận 1 đã đúng quy định pháp luật hay chưa? Về vấn đề này, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, về cơ bản, đây là việc làm hợp pháp. Tuy nhiên ở đây, chúng ta phải nói tới cách làm như thế nào cho hợp tình, hợp lý.

Chúng ta cần phải phân biệt rõ đối tượng lấn chiếm vỉa hè hiện nay tại những tuyến phố trên địa bàn họ là ai. Đó là những người bán hàng rong và những người lấn chiếm kinh doanh cố định, bày bán tràn lan ra vỉa hè, lòng đường. Những người bán hàng rong, theo ông Nghĩa, là những người bán buôn mang tính chất di động, họ đi đi lại lại, chứ không ngồi một chỗ cố định. Họ có thu nhập thấp, đa phần là đối tượng nghèo khổ. Hơn nữa, trên thực tế, những người bán hàng rong hầu như là những người từ quê lên buôn bán mưu sinh. Nhiều người trong số đó chưa nắm vững về pháp luật, họ thậm chí cũng không biết khu vực nào Thành phố cấm buôn bán, khu vực nào được phép. 

“Vậy thì xử lý làm sao? Trước hết, chúng ta phải tuyên truyền, khuyên nhủ, hướng dẫn những người bán hàng rong để họ tự ý thức và tự chấp hành đúng pháp luật. Thêm vào đó, từng phường cần có cách sắp xếp, bố trí một khoảng diện tích nào đó phù hợp cho họ buôn bán. Nguyên tắc chung là không được ảnh hưởng tới người đi bộ. Còn đối tượng lấn chiếm vỉa hè lòng đường bày bán, kinh doanh cố định thì đương nhiên phải xử lý theo pháp luật” - ông Nghĩa khẳng định.

Đưa ra ví dụ về việc người tham gia giao thông nếu vi phạm luật giao thông là bị xử lý ngay vì bản thân người tham gia giao thông bắt buộc phải nắm vững những quy định trong luật, ông Nghĩa cho rằng, vấn đề lấn chiếm vỉa hè cũng vậy. “Những người chiếm dụng lòng đường, vỉa hè buôn bán cố định không thể nói là không biết luật được, chẳng qua là họ cố ý vi phạm. Họ vi phạm bất chấp vì lợi ích cá nhân, thậm chí họ sẵn sàng chống người thi hành công vụ. Thời gian qua, Thành phố cũng đã triển khai việc chấn chỉnh nên các quận, huyện cũng đã có tuyên truyền ít nhiều vấn đề này, thậm chí cũng đã tiến hành nhắc nhở, xử phạt. Do đó, việc xử lý ở đây, không cần phải báo trước và khi chính quyền xuống tận nơi yêu cầu trả lại vỉa hè, lòng đường mà người dân không hợp tác chấp hành thì cơ quan chức năng có quyền dẹp ngay, vì những hành vi lấn chiếm đã là trái pháp luật. Có chăng việc nhắc nhở là để họ tự dẹp, để khỏi phải tốn ngân sách Nhà nước mà thôi” - ông Nghĩa nhấn mạnh. 

Hiện nay, theo ông Nghĩa, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn nghiêm trọng hơn khi hiện tượng lấn chiếm còn “chui” vào cả các con hẻm, khu dân cư, cản trở việc đi lại của người dân. Có những khu vực dân cư, có những khoảng không gian lẽ ra để các cụ già tập thể dục, cho người dân đi bộ, cho các cháu nhỏ vui chơi, thì nay cũng bị chiếm dụng để buôn bán.

Qua câu chuyện này có thể nói là việc xem thường luật pháp, xâm hại lợi ích của người khác đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Những hành động vi phạm có khi còn diễn ra trước mắt tổ dân phố, công an khu vực...song họ cũng không có giải pháp gì. “Phải chăng chính quyền chưa kiên quyết dẹp bỏ, hoặc có một sự “nâng đỡ, bao che” nào đó”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Chúng ta đang xây dựng Thành phố là nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, xây dựng hình ảnh đô thị xanh sạch đẹp, do đó, chúng ta phải làm tốt việc chấn chỉnh trật tự đô thị, không xâm phạm lợi ích của người khác. Theo ông Nghĩa, với cách làm của Thành phố hiện nay thì phải tiếp tục kiên quyết, quyết liệt, làm liên tục, thường xuyên không ngưng nghỉ bởi có những thói quen 5-10 năm mới thay đổi, mới bỏ được./.

* Theo Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, từ ngày 16/1 đến 26/2/2017, UBND quận 1 đã lập biên bản xử lý 875 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 85 trường hợp vi phạm liên quan đến vệ sinh môi trường (xả rác, tiểu bậy, xả nước thải), còn lại 790 trường hợp vi phạm về lấn chiếm vỉa hè (đỗ xe, bày bán hàng hóa, bán hàng rong…). Tổng số tiền phạt gần 500 triệu đồng. 

Vương Lê