Chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP Hồ Chí Minh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.

Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; các Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và TP Hồ Chí Minh.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc 


Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng thể chế và tập trung chỉ đạo công tác trên các lĩnh vực, trong đó có đầu tư công. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy: Thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% GDP của Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, trong khi từ trước đến nay, mức tăng trưởng của TP luôn cao hơn 1,3- 1,5 lần cả nước; và điều này đang ảnh hưởng đến tình hình chung của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ cùng TP tháo gỡ cho các dự án bị chậm, trì trệ tiến độ và chưa được giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để thất thoát tài sản của Nhà nước, không để xảy ra tham ô, tham nhũng. Qua đó, mở rộng cơ chế tạo thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh triển khai các dự án.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là đầu tư công nhằm để TP. Hồ Chí Minh vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2020.

Nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình thực hiện phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2020, UBND TP đã giao và phân bố chi tiết với tổng số vốn hơn 41.691 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TP hơn 33.940 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 7.751 tỉ đồng.

Tính đến ngày 15/7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỉ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ (tính đến hết tháng 7/2019 giải ngân là 7.717 tỉ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn giao là 33.771 tỉ đồng).

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết: Thời gian qua, TP đã chủ động trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công theo hướng đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong bố trí kế hoạch vốn, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân… Tuy nhiên trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, TP cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đối với các nhóm dự án.Trong đó, nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Dự án xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Nhóm dự án đầu tư đang thực hiện theo phương thức đối tác công tư với các vấn đề liên quan đến thủ tục thanh toán dự án BT tại thời điểm quyết toán đối với các dự án có chênh lệch giữa giá trị các quỹ đất thanh toán và giá trị dự án BT; việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho các dự án BT; việc sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để thanh toán cho các dự án đầu tư theo loại hợp đồng BLT/BTL; dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4; việc bổ sung công trình xây dựng 04 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án Quảng trường Trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối với thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, Thành phố cũng kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý nhu cầu vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 – 2025 theo khoản 2 Điều 89; các Bộ ngành sớm có thông báo tống mức vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 hoặc có hướng dẫn cụ thể về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, xây dựng kế hoạch năm 2021 theo khoản 4 Điều 33 để TP Hồ Chí Minh có cơ sở thực hiện; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án xây dựng Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, trong đó có bao gồm cả việc xác định cơ quan có thấm quyền Quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án, hoặc các nội dung ủy quyền cần thiết (nếu có).

Về một số dự án FDI, TP nêu ra một số khó khăn và đề xuất cụ thể đối với dự án Saigon Centre IV, Saigon Centre V của Công ty TNHH Keppel Land Watco và Dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong đó, có các dự án trọng điểm, như: tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (vướng mắc trong việc xác định chính xác giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn cho dự án); xây dựng tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (liên quan thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng; dự kiến thực hiện giải ngân trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng).

Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cho rằng, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giữ vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Trong nhiều năm qua, TP đã luôn phát triển năng động, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng; khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của TP đối với khu vực phía nam và cả nước.

Một số ý kiến cho rằng, việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm còn chậm (đường sắt đô thị). Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc huy động nguồn lực xã hội trong một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm nay. UBND TP sẽ tổ chức giao ban cứ 2 tuần một lần về giải ngân đầu tư công, hằng tháng đi giám sát thực địa.

Bí thư Thành ủy cho biết, sẽ tổ chức cuộc gặp các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào TP nhưng phải dừng lại do dịch COVID-19 để rà soát, động viên nhà đầu tư tiếp tục. TP sẽ nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội để phát triển.


Toàn cảnh buổi làm việc


Thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản nhất trí với các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng nêu rõ tinh thần Trung ương ủng hộ TP phát triển xứng tầm.

Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của TP Hồ Chí Minh trong việc hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công đã đề ra cho năm 2020. TP triển khai quyết liệt với việc giao ban, kiểm tra, khen thưởng, kịp thời điều chuyển vốn. Đây là những biện pháp đáng hoan nghênh, là tấm gương tốt cho các địa phương.

Thủ tướng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2020, còn nhiều vấn đề lo lắng, còn chậm, nhất là một số công trình giao thông, nhiều dự án tư nhân đầu tư ở TP chậm, đặc biệt là các dự án bất động sản, phát triển đô thị… Vấn đề này cần nhận diện rõ để thúc đẩy mạnh mẽ.

“Do vị trí, vị thế, vai trò của TP  đối với cả nước, TP Hồ Chí Minh không được chậm trễ, đặc biệt, các cấp, các ngành của Thành phố, các quận không được trì trệ, không những chỉ đạo quyết liệt mà các sở, ngành, quận, huyện phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, bám công việc, tập trung sức lực, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đạt kết quả cụ thể trong những vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng”. Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong phương hướng phát triển 6 tháng cuối năm của TP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, bởi với vai trò là trung tâm tiêu dùng của cả nước, kích cầu tiêu dùng của TP sẽ giúp kích cầu cho cả nước. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các Bộ - ngành, cơ quan chức năng liên quan của Thành phố có biện pháp mạnh mẽ để hàng hóa đến tận phường – xã, khu công nghiệp, công nhân. TP phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán, du lịch vì dịch vụ chiếm trên 60% GDP của TP.

Cùng với đó, Theo Thủ tướng TP Hồ Chí Minh cần thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm cùng với đảm bảo an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm sẽ đóng góp từ 5-8% GDP cho TP.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân là một kênh tăng trưởng rất lớn và đòi hỏi xử lý độ sâu về tài chính để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đồng thời hoan nghênh việc chú trọng phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.

Theo Thủ tướng, điều quan trọng cần phải tập trung là chỉ đạo điều hành quyết liệt tháo gỡ những điểm khó. Cụ thể, từ thực tiễn, TP cần nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ những vướng mắc khung pháp lý theo từng nhóm vấn đề để xử lý kịp thời hơn, nhưng trước hết, phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm để giải quyết vấn đề vướng mắc một cách công khai, minh bạch, vì lợi ích chung.

Song song với đó là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, TP cần tập trung nguồn lực, kiên trì đeo bám, kịp thời xử lý những bất cập phát sinh, sáng tạo giải pháp thì đạt được thành công.

Thủ tướng mong muốn TP phát huy tinh thần tiến công cách mạng, Thủ tướng kỳ vọng TP sẽ đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết, sẽ có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng về các kiến nghị này để TP triển khai.

*Cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách, sinh năm 1927, trú tại phường Phạm Ngũ Lão; ông Trần Văn Đủ, sinh năm 1950, thương binh hạng ¼ trú tại phường Nguyễn Cư Trinh; bà Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1957, vợ liệt sĩ tại phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh./.

Hoàng Mẫn