Tham dự Lễ có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm; đại diện lãnh các sở, ban, ngành…


Lãnh đạo TPHCM dâng hương Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)



Phát biểu tại Lễ Giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu cho biết: Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, sinh năm 1650 tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong một gia tộc trâm anh thế phiệt lâu đời có nguồn gốc cùng tổ với chúa Nguyễn. Ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông thuộc dòng dõi Đức Nhị Khê Nguyễn Trãi - khai quốc công thần nhà Lê, thân phụ ông là Nguyễn Hữu Dật, là một trong 3 vị đệ nhất công thần của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Xuất thân trong một gia đình võ tướng, có tài trí song toàn nên Nguyễn Hữu Cảnh đã sớm dấn thân vào cuộc chiến, dự vào nhiều trận công thủ trên đất Quảng Bình đối mặt với quân Trịnh. Tháng 8 năm Nhâm Thân (1692) vua Chiêm Thành là Bà Tranh dấy loạn, đem binh đánh cướp dinh Bình Khang (Khánh Hòa). Do đó đầu năm Quý Dậu (1693) chúa Nguyễn Phúc Chu cử ông làm Thống binh cầm quân đánh dẹp, đến tháng 3 thì bắt được Bà Tranh cùng thủ hạ, vâng lệnh chúa Nguyễn ông đã đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, cho quan lại Chiêm trở về phủ dụ dân chúng. Đầu năm 1694, một người Hoa là A Ban dấy loạn, tháng tư năm đó Nguyễn Hữu Cảnh lại vâng mệnh chúa vào đánh dẹp và được giữ chức Chưởng cơ trấn thủ dinh Bình Khang. Năm 1698, chúa Nguyễn cử ông làm Kinh lược sứ đất Chân Lạp, thiết lập phủ Gia Định, gồm huyện Phước Long với dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình với Dinh Phiên Trấn. Đây chính là công lớn của ông trong sự nghiệp mở mang các vùng đất phía Nam trở thành lãnh thổ của Việt Nam của các chúa Nguyễn.

Với vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) tên tuổi Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đi vào lịch sử của vùng đất này. Người đã có công lớn trong mở rộng bờ cõi, biên cương; lập nên bộ máy hành chính để cai quản các vùng đất mới, nhiều chính sách ruộng đất, chiêu dụng Nhân dân lập nên một vùng đất Nam bộ trù phú, thiên nhiên ưu đãi để lại cho con cháu hậu thế. Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần trung quân ái quốc của bậc tiền nhân, hết lòng vì nước, vì dân, góp phần xác định chủ quyền, giữ vững lãnh thổ Việt Nam của nhà Nguyễn, tiếp tục khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở dải đất phương Nam.

Ghi nhớ công ơn Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và bao thế hệ cha anh đi trước, không gì hơn là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong cuộc sống, lao động, học tập để xứng đáng làm người kế thừa, lớp hậu sinh; tập trung nâng cao tinh thần thi đua lao động, sáng tạo, góp phần vào công cuộc kiến tạo, phát triển, hội nhập của đất nước, của TP.

Với tinh thần đó, những người con từ mảnh đất Sài Gòn - Gia Định – TP Hồ Chí Minh tiếp nối truyền thống kiên cường, vẻ vang “cùng cả nước - vì cả nước - vì hạnh phúc Nhân dân”, “đi trước - về trước”, thực hiện công cuộc dựng xây, phát triển TP mang tên Bác trong giai đoạn mới. Thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất đó chính là chất lượng sống của người dân, là TP thông minh với các dịch vụ công cộng xã hội nhằm phục vụ con người, là thái độ phục vụ Nhân dân đi cùng hiệu quả công việc, mang lại một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trên vùng đất văn minh - hiện đại - nghĩa tình./.

 

An Nhiên