Học sinh trường THCS Lý Thánh Tông, quận 8 dùng thẻ thông minh mua nước

qua máy bán tự động tại trường. (Ảnh: Như Hùng)


Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình quản lý “Trường học thông minh, an toàn, không dùng tiền mặt” sau 2 năm triển khai thí điểm.

Từ năm 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP đã hợp tác cùng 3 đơn vị đối tác là Công ty cổ phần văn hóa Ngôi Nhà Xanh, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh xây dựng “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học - Thẻ học đường thông minh SSC” nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà trường, giúp phụ huynh và học sinh thanh toán các dịch vụ qua ngân hàng một cách tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.

Bắt đầu triển khai thử nghiệm từ năm 2018, mô hình nhằm mục đích cụ thể hóa nội dung Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” ban hành theo Quyết định số 6179 ngày 23-11-2017 của UBND TP.

Đến năm 2018, Sở GD&ĐT TP phối hợp với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn khảo sát tình hình triển khai thẻ học đường thông minh tại 12 đơn vị trường học. Sau khi phân tích kết quả khảo sát tại 12 trường học, Sở GD&ĐT TP thống nhất cho triển khai thí điểm Mô hình “Trường học thông minh – An toàn – Không dùng tiền mặt” tiếp nối đề án thẻ học đường SSC trên tinh thần kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, cải tiến và bổ sung những cấu phần mới cho phù hợp với nhu cầu thực tế trong công tác quản lý nhà trường và quản lý học sinh trong trường.

Theo đó, mô hình sẽ tích hợp 6 nội dung chính gồm: điểm danh học sinh, chấm công giáo viên, vận hành máy bán hàng tự động, tương tác học đường, quản lý căn tin và hỗ trợ thu học phí.

Sau gần 2 năm triển khai thử nghiệm, đơn vị tổ chức đã đầu tư phát triển thêm hệ thống phần mềm, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng quản lý trong trường học và tiến hành lắp đặt thiết bị thử nghiệm tại trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) và trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình).

Bước đầu, việc triển khai thử nghiệm đạt được một số hiệu quả như 100% học sinh của trường sử dụng thẻ để thực hiện điểm danh vào đầu mỗi ca học, phụ huynh hài lòng với thông tin về thực đơn, giờ ăn bán trú được thông báo tức thời đến phụ huynh, thanh toán không tiền mặt thông qua các ứng dụng “Máy bán hàng tự động” và “Căn tin” với hơn 3.700 lượt giao dịch mỗi tháng, thực hiện chấm công đối với 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường thông qua thẻ ra vào. Ngoài ra, đã có gần 130.000 lượt phụ huynh tham gia tương tác mỗi tháng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Lê Hoài Nam cho biết, theo chủ trương của TP, 100% trường học trên địa bàn sẽ thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời đây cũng là một trong những nội dung nằm trong chủ trương chung về xây dựng giáo dục thông minh. Do đó, các Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND quận, huyện về phê duyệt kế hoạch không sử dụng tiền mặt ở 100% trường học trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền tới tận từng phụ huynh, học sinh hiểu được tiện ích của đề án. Sau đó, mỗi quận, huyện sẽ đăng kí một trường để thực hiện thí điểm ngay trong học kỳ 1 của năm học 2020-2021./.

CM