00:15 17/08/2018
print  

Bảo tàng TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 40 năm thành lập

(ĐCSVN) - Ngày 16/8, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (1978 – 2018) và tổ chức trưng bày chuyên đề “Dấu ấn khai phá vùng đất Nam bộ qua hiện vật bảo tàng”.

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Dấu ấn khai phá vùng đất Nam Bộ qua hiện vật bảo tàng”

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng TP Hồ Chí Minh Phạm Dương Mỹ Thu Huyền cho biết: Từ khi Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập Bảo tàng Cách mạng TP Hồ Chí Minh, ngày 12/8/1978, Ban Giám đốc, tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chức năng của một bảo tàng chuyên về đấu tranh cách mạng, sưu tập chủ yếu các hiện vật, tư liệu về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân, dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ hơn 374.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 77.850 hiện vật gốc; nghiên cứu, hình thành trên 108 bộ sưu tập hiện vật, trong đó 15 bộ sưu tập hiện vật quý hiếm được đánh giá cao về giá trị văn hóa lịch sử khoa học, kinh tế như: “Sắc phong, văn bản hành chính”; “Kiến trúc đô thị thành phố”; “Tượng dân gian”…

Cùng với việc sưu tầm, lưu giữ các hiện vật phục vụ yêu cầu về nhiệm vụ chính trị của thành phố, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh còn đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong, ngoài nước. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng đón tiếp hơn 400.000 lượt khách, thông qua các chương trình gắn kết văn hóa, du lịch tại thành phố, nhiều năm liền là điểm đến tham quan hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiêu biểu trong đó là bộ sưu tập hiện vật “Hoàng thành Thăng Long”, “Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh”, “Nhà lưu niệm Phan Văn Khải”, “Hồ sơ cán bộ đi B của TP qua tài liệu lưu trữ”, “Cuba - Xa mà gần”, “Triều Tiên ngày nay”…

Giám đốc Bảo tàng TP Hồ Chí Minh Phạm Dương Mỹ Thu Huyền cho biết, những năm tiếp theo, Bảo tàng tiếp tục liên kết phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giới thiệu hiện vật sưu tầm. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, đổi mới các mặt hoạt động, bổ sung trưng bày; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, phong cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và yêu cầu phát triển của Bảo tàng.


Các đại biểu tham quan chuyên đề “Dấu ấn khai phá vùng đất Nam Bộ qua hiện vật bảo tàng”

Nhân dịp này, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận gần 1.200 tài liệu, hiện vật, phim ảnh của các cán bộ lão thành cách mạng, tổ chức, cá nhân. Trong đó có nhóm hiện vật về văn hóa dân gian của nhà nghiên cứu và sưu tập Trương Ngọc Tường. Đặc biệt là các máy chụp ảnh, nhiều tư liệu phản ánh cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong lòng Địa đạo Củ Chi của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Phong.

Tại lễ kỷ niệm, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh đã đón nhận Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cờ truyền thống của UBND TP Hồ Chí Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.

Cũng tại buổi lễ, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Dấu ấn khai phá vùng đất Nam bộ qua hiện vật bảo tàng”. Trong đó, nhiều hiện vật tiêu biểu được chọn lọc từ trên 130 bộ sưu tập trong hàng trăm ngàn tài liệu, hiện vật được Bảo tàng lưu giữ, như những chiếc ấn, triện, sắc phong, chỉ dụ, tờ truyền… Đây sẽ là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam bộ.

Trưng bày chuyên đề diễn ra đến cuối năm 2018./.

Tin, ảnh: Minh Khuê