Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại Hội nghị

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; đại diện Ban Nội chính Trung ương...

Tạo chuyển biến, đột phá trong phòng, chống tham nhũng 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng những năm gần đây đạt được kết quả đáng khích lệ. Kết quả ban đầu này góp phần đảm bảo hệ thống chính trị vững mạnh, từ đó góp phần củng cố niềm tin của người dân. 

Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở TPHCM còn hạn chế. Điều này thể hiện ở việc triển khai nhiều hoạt động quy mô lớn nhưng không có trường hợp nào bị xử lý tham nhũng. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng qua hàng chục ngàn hồ sơ kê khai tài sản; qua giải quyết hàng ngàn trường hợp khiếu nại, tố cáo của người dân đã không phát hiện trường hợp tham nhũng nào. Ngoài ra, TPHCM tổ chức 43 đoàn kiểm tra 63 đơn vị song không có bất cứ trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Tương tự, ở mỗi hoạt động kiểm tra nội bộ, hoạt động thanh tra chỉ phát hiện được 1 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. 

“Mỗi năm, TPHCM có hàng trăm, hàng ngàn vụ việc thanh tra nhưng chỉ kết luận 1 vụ có dấu hiệu tham nhũng”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề về hiệu quả và yêu cầu phải có giải pháp khắc phục, đảm bảo công tác phòng chống, phát hiện tham nhũng hiệu quả và thực chất hơn. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý công tác phòng, chống tham nhũng không phải do 1 ban, 1 cơ quan thực hiện. Công tác này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc xử lý thông tin tham nhũng do người dân cung cấp, từ các thông tin trên báo chí. 

Đề cập đến Quy định 1374-QĐ/TU (ngày 1/12/2017) của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây là quy định mang tính đặc thù. Nếu việc triển khai, thực hiện tốt sẽ góp phần khắc phục được hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng lâu nay. 

Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phải giám sát và hàng quý tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả thực hiện Quy định 1374, trong đó có kết quả thực hiện phòng, chống tham nhũng. 

“Trong nhận thức, chúng ta phải tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng ở TPHCM”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Về giải pháp cụ thể, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý việc tâp trung xử lý kết quả từ thanh tra. Theo đó, Ban Nội chính Thành ủy có hướng dẫn để dễ dàng “định danh” ngay hành vi tham nhũng từ các kết luận thanh tra. 

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hàng quý có báo cáo đánh giá sự hài lòng của người dân về thái độ phục vụ của cơ quan công quyền. Trước mắt, việc đánh giá có thể thực hiện ngay đối với một số lĩnh vực (như nhà đất, xây dựng, công thương…), ở một số địa phương cụ thể và sau đó mở rộng ra. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu

Kê khai tài sản chưa ngăn ngừa tham nhũng

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy Võ Văn Quận, nhận xét thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị có chuyển biến tích cực, phát huy tốt vai trò người đứng đầu trong việc triển khai các giải pháp các phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực.

Tuy nhiên, công tác tự kiểm tra nội bộ, công tác giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân ở một số cơ quan đơn vị còn chậm. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng còn ít. Tiến độ xử lý tin báo, tố giác tội phạm và công tác điều tra khởi tố, xét xử các vụ tham nhũng còn kéo dài.

Ngoài ra, công tác kê khai, công khai, minh bạch tài sản chưa phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng và chưa có cơ chế giám sát, xử lý hiệu quả đối với việc kê khai không trung thực.

Từ đó, đồng chí Võ Văn Quận cho biết, trong năm 2018 sẽ tập trung vào 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Thành ủy cũng yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Thành ủy sẽ lập đoàn rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2018 để đánh giá, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đồng thời, xem xét, kiến nghị, chuyển các vụ việc sai phạm có dấu hiệu phạm tội tham nhũng đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, để phòng ngừa tham nhũng, Thành ủy cũng kiểm tra thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ đối với Đảng bộ, chi bộ cơ sở và cán bộ, đảng viên thuộc các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng và các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực sai phạm.

Đặc biệt, Thành ủy cũng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng còn tồn đọng, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo và các các vụ việc có kiến nghị khởi tố của Thanh tra TP, UBND TP.

Kiều Phong/sggp.org.vn