Toàn cảnh lớp bồi dưỡng (Ảnh: VL)

Tham dự lớp bồi dưỡng này là giám đốc các sở, ngành, Bí thư Quận ủy, Huyện ủy và Chủ tịch UBND quận, huyện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, ở một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến kỹ năng tiếp xúc, phát ngôn với truyền thông; vì vậy khi có sự việc xảy ra, với cách ứng xử và phát ngôn chưa phù hợp dẫn đến sự việc không được hóa giải, tạo sự đồng thuận, thuyết phục mà càng trở nên “nóng” hơn. Lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm tạo điều kiện để lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xử lý những tình huống cụ thể và rèn luyện những kỹ năng ứng xử cần thiết khi trở thành tâm điểm của truyền thông.

Tại lớp bồi dưỡng, nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại – Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu, truyền đạt kỹ năng đến lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện về khủng hoảng truyền thông, kỹ năng truyền thông thời mạng xã hội và công tác truyền thông PR Nhà nước.

Nhà báo Lê Nghiêm cho biết, trên thực tế, việc giải quyết khủng hoảng truyền thông chỉ để giải quyết phần ngọn, vấn đề cấp bách, trước mắt. Cái gốc là phải làm tốt công tác truyền thông của các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, công tác truyền thông của các cơ quan Nhà nước phải nâng lên tầm chuyên nghiệp, hiệu quả; công tác truyền thông phải nhạy bén, sớm nhận diện được khủng hoảng; phải có chế độ theo dõi, tổng hợp dư luận thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội; phải làm chủ được tình hình; nhanh chóng nắm bắt tình hình, phân tích, đánh giá tính chất vụ việc; dự kiến các giải pháp giải quyết vấn đề để khắc phục hậu quả. 

Để xử lý khủng hoảng truyền thông, theo nhà báo Lê Nghiêm, cần công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ, không che giấu thông tin; cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân. Khi giải quyết khủng hoảng truyền thông, cần tránh hành động coi thường công luận, tránh báo cáo không đầy đủ, không đúng sự thật; đưa ra kết luận vội vàng; không dám nhận trách nhiệm (nếu có); đổ lỗi cho khách quan; đổ lỗi cho nhau, cho người khác; hứa hẹn mà không làm được. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả; xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với người có lỗi, không bao che và không có vùng cấm.

Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, đồng chí Thân Thị Thư đã đề nghị các sở, ngành, quận, huyện và cá nhân lãnh đạo các cơ quan, đơn vị không né tránh báo chí. Trong hoạt động điều hành cần chủ động cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch, kịp thời các vấn đề dư luận, báo chí quan tâm, tránh trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận./.

VL