Ngày 14/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TPHCM. Tại buổi làm việc, ý kiến các doanh nghiệp (DN) kiến nghị TP tháo gỡ những vướng mắc cho ngành LTTP; cũng như đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, sức cạnh tranh cho hàng hóa của DN, có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước.


Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận buổi làm việc

Hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Lý Kim Chi cho biết: Trong những tháng đầu năm 2018, tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) ngành LTTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thị trường xuất khẩu đa phần vẫn phụ thuộc vào thị trường và các thương lái Trung Quốc nên có nhiều biến động thất thường. Tuy nhiên, các DN ngành LTTP trên địa bàn TP đã rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối truyền thống, cũng như thực hiện chính sách bình ổn giá theo chỉ đạo của TP tạo sự an tâm trong người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm, đón đầu xu hướng hội nhập.

Để thúc đẩy ngành LTTP của TP phát triển, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Lý Kim Chi kiến nghị TP đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, sức cạnh tranh cho hàng hóa của DN. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ không tăng thuế VAT đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, cũng như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt.

Mặt khác, cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ cho các DN có thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước phát triển thành các thương hiệu bán lẻ mạnh như Sài Gòn Coop, Satra Mart, Vinmart…; mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng các cửa hàng mới,…; cũng như tập trung xây dựng và đổi mới hệ thống các chợ truyền thống để các DN bán lẻ nội tăng sức cạnh tranh so với các DN bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó, TP cần có cơ chế để các thương hiệu bán lẻ nội địa dẫn dắt, hỗ trợ các DN ngành LTTP dễ dàng tiếp cận sản phẩm vào hệ thống phân phối này để tăng lợi thế phát triển.

Bên cạnh đó, TP cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN như đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho DN, bảo đảm an toàn vốn vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng, nhất là DN nhỏ và vừa. Song song đó, nhanh chóng củng cố hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, phát huy được hiệu quả của Quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, TP cần có chính sách hỗ trợ và xây dựng phát triển ngành logistics nhằm giảm tối đa chi phí hiện tại cho các DN. Bởi lẽ, hiện tại, chi phí vận chuyển hàng hóa ngành LTTP bằng đường thủy vẫn còn xảy ra tình trạng DN phải chịu các “chi phí mềm” rất cao, gây rất nhiều tốn kém cho DN. Đồng thời, TP cần hình thành Khu Công nghiệp dành cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm với diện tích khoảng 200ha.

Cũng tại buổi làm việc, các DN đề nghị TP và các sở, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính; cũng như công khai các chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho DN. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) Nguyễn Ngọc An kiến nghị Cục Thuế TP đối với các văn bản trả lời về chính sách thuế cho DN cần giải thích rõ ràng, cụ thể và thời gian trả lời nhanh hơn. 

Còn Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food Nguyễn Quang Tường cho hay: Hiện nay, DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi. Do đó, TP cần đẩy mạnh truyền thông các chính sách ưu đãi của Nhà nước, của TP dành cho DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm để DN dễ dàng tiếp cận tham gia. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ dành cho các DN thuộc Hội Lương thực thực phẩm TP trong hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham quan sản phẩm của Công ty Cổ phần Sài Gòn Food.

Mở rộng thị phần và nâng cao sức cạnh tranh

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: Hạn chế lớn nhất của DN hiện nay là tính liên kết giữa các DN với nhau. Vì vậy, Hội Lương thực thực phẩm TP giúp TP tăng cường sự phối hợp, lắng nghe ý kiến phản ánh của DN để chuyển đến cơ quan chức năng của TP.

Liên quan đến hệ thống bán lẻ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phân tích: Với hệ thống bán lẻ trong nước hiện nay có 4 hạn chế, đó là các nhà bán lẻ thiếu chiến lược phát triển, thiếu chiến lược kinh doanh; tính chuyên nghiệp không cao; năng lực tài chính hạn chế; các dịch vụ hậu mãi. Vì vậy, cần có cuộc gặp gỡ giữa các nhà bán lẻ với các DN lương thực thực phẩm và một số lĩnh vực khác để mở rộng thị phần và nâng cao sức cạnh tranh. Bởi vì, sản xuất phải gắn liền với phân phối.

Về nguồn vốn, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho hay: TP sẽ tính đến sự liên kết giữa Ngân hàng và Hội Lương thực thực phẩm TP để hỗ trợ về tín dụng; nhanh chóng củng cố hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa hỗ trợ DN tiếp cận vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với chương trình kích cầu của TP, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết: Theo quy định chỉ giải quyết cho DN hoạt động trên địa bàn TP. Còn trong thực tiễn xuất hiện những tình huống DN có nhu cầu về vốn, trụ sở hoạt động đặt ở TP, nộp thuế đầy đủ cho TP nhưng mở rộng chi nhánh ở tỉnh thì TP sẽ rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp.

Liên quan đề xuất hình thành Khu Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, đồng chí Nguyễn Thành Phong giao Hội Lương thực thực phẩm TP làm đề án trình UBND TP xem xét. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết: TP sẽ trao đổi với Hội Luật sư TP, Hiệp hội Doanh nghiệp TP hình thành các cơ quan trợ giúp pháp lý giúp cho các DN hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, TP sẵn sàng hỗ trợ DN về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của DN.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Công thương TP phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP ký kết chương trình hợp tác với Hội Lương thực thực phẩm TP để giải quyết những vấn của Hội đề xuất. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP nghiên cứu một năm nên có chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài đối với ngành LTTP. Sở Công thương TP từ nay đến cuối năm phải báo cáo chiến lược phát triển ngành logistics của TP; đồng thời lắng nghe ý kiến của DN nghiên cứu điều chỉnh chương trình bình ổn thị trường cho phù hợp để phục vụ DN được tốt hơn.

Đình Lý/hcmcpv.org.vn