Các tham luận tại Hội thảo đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30/4/1975.


Sáng 8/7, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng 30/4/1975 - Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”.

Tới dự Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh; Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các đồng chí chỉ huy, nguyên chỉ huy các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường; các cơ quan, đơn vị của TP Hồ Chí Minh; các nhà khoa học cùng các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử.

Biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cách đây tròn 45 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân ta và các lực lượng vũ trang cách mạng thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và sức mạnh của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh.



Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội thảo.


Trong chiến thắng huy hoàng đó, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh đã góp phần công sức xứng đáng. Nơi đây là chiến trường trọng điểm của miền Nam, là sào huyệt đầu não bộ máy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai. Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã hòa mình cùng miền Nam và cả nước trong suốt cuộc kháng chiến, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tiến công, năng động, sáng tạo, vững vàng bước vào trận quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

“Cuộc Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc; tôn vinh và tri ân sự cống hiến to lớn của các thế hệ cách mạng đi trước, sự hy sinh vô bờ bến của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ Liệt sĩ, của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần quật khởi và khát vọng yêu chuộng hòa bình cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đồng thời, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã góp phần chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tạo thế trận, tạo địa bàn và phối hợp với các binh đoàn chủ lực giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh hôm nay đã không ngừng phát triển, trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao; đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với 23% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 27% thu ngân sách cả nước.

Từ thực tiễn, TP đã góp phần quan trọng vào quá trình hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mãi mãi là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc

Có thể nói, 45 năm đã trôi qua, song những sự kiện của những ngày “bão táp cách mạng" và thời khắc thiêng liêng của ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn làm lay động lòng người. Những kinh nghiệm, bài học quý báu rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, của Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là những chỉ dẫn trí tuệ cho nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.



Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.


Phát biểu Chỉ đạo tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục khẳng định: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng 30/4/1975 - Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh" nhằm làm sâu sắc hơn những nhân tố quan trọng đã làm nên thắng lợi lịch sử này; khẳng định vị trí, vai trò của Chiến thắng 30/4 trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; qua đó đúc rút những kinh nghiệm quý, những bài học hay để vận dụng, phát huy vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị Hội thảo cần tập trung làm rõ một số nội dung:

Một là, cần khẳng định rõ đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hai là, khẳng định nhãn quan chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, khi thời cơ quyết định xuất hiện đã kiên quyết, kịp thời hạ quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ba là, làm rõ tính sáng tạo, nét độc đáo, nghệ thuật đặc sắc trong tổ chức và điều hành chiến dịch - trận quyết chiến chiến lược có quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bốn là, đánh giá vai trò, vị trí của Chiến thắng 30/4 trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, tiến trình của lịch sử dân tộc nói chung.

Tại Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và địa phương; các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về Chiến thắng 30/4. Đã có 9 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo hôm nay.


Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) tặng sách cho Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.


Phát biểu Bế mạc Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, các tham luận tại Hội thảo lần này đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30/4/1975.

Các tham luận đều thống nhất nhận định: Chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những thắng lợi vĩ đại và hiển hách trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược do Trung ương Đảng đề ra, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và thế trận chiến tranh nhân dân, đánh vào hệ thống phòng thủ lớn nhất của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân đội Sài Gòn, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất, góp phần quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đầu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam nói riêng. Chiến thắng đó không chỉ có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Những bài học rút ra từ Chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi là tài sản vô giá của dân tộc ta trong sự nghiệp cách mạng hiện nay./.

Tin, ảnh: V.Lê