Ngày 9/6, HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi, với chủ đề “Bảo vệ trẻ em - thực trạng và giải pháp”. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh tham dự.


Các đại biểu tham gia chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 6/2019 (Ảnh: SGGP)

 

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 2,1 triệu trẻ em. Ngoài ra, còn có hơn 470.000 trẻ dưới 15 tuổi đăng ký tạm trú trên địa bàn Thành phố. Từ khi Luật Trẻ em có hiệu lực năm 2016, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 như: Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; bảo vệ trẻ em; xây dựng TP Hồ Chí Minh thân thiện với trẻ em…. Bên cạnh đó, Thành phố đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Luật Trẻ em, quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách cho trẻ em; đấu tranh, phòng chống tệ nạn lạm dụng, bạo hành trẻ em…Hàng năm, lãnh đạo Thành phố đều tổ chức gặp gỡ thiếu nhi tiêu biểu để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các em. Từ đó, có những trao đổi, phản hồi, chỉ đạo cụ thể, sát sao cho các ngành nhằm đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em. Các quận huyện đã chủ động tiếp nhận các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các sân chơi dành cho thiếu nhi, đặc biệt tại khu vực ngoại thành, các khu lưu trú công nhân ở quận 9, Tân Phú, Thủ Đức và huyện Nhà Bè.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho sức khỏe trẻ em cũng được chú trọng. Sở Y tế Thành phố đã tích cực tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em. Trong năm qua, các hoạt động tư vấn tâm lý, tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, kỹ năng tự vệ, phòng chống xâm hại đã được tổ chức cho hơn 25.500 em tham gia.

Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em. Trong quá trình đô thị hóa nhanh, số lượng lao động đến Thành phố làm việc ngày càng đông kéo theo số lượng trẻ em gia tăng, lực lượng cán bộ chăm lo trẻ em tại các địa phương còn mỏng. Cùng với đó, những rào cản, hạn chế về pháp luật trong thực thi, xử lý các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em…

Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, từ năm 2017 đến nay, Thành phố khởi tố 144 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Bình quân mỗi tháng, Thành phố khởi tố 5 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo ban tổ chức chương trình, tình hình trẻ em bị xâm hại đang tăng cả số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng, phức tạp. Trong 170 vụ bạo lực, xâm hại xảy ra trong 27 tháng qua có gần 87% là xâm hại tình dục, 85% nạn nhân là trẻ em gái. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người có trình độ thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ cao.

Chia sẻ tại Chương trình, bà Phan Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, cho rằng hiện nay, việc tuyên truyền mới chỉ tập trung cho đối tượng là học sinh trung học, nhưng trên thực tế trẻ mầm non, tiểu học lại là đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại. Khi xảy ra vụ việc, sự phối hợp liên ngành để xử lý cũng còn lúng túng.

Trong chương trình, các đại biểu đã góp nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn. Trong đó, đại biểu đề nghị nhà trường cần truyền tải các kỹ năng cần thiết cho trẻ em ngay từ cấp học mẫu giáo, giúp các trẻ em có kiến thức cơ bản để phòng ngừa, tự vệ. Các cơ quan tố tụng cần phối hợp chặt chẽ hơn, xử lý vụ việc càng sớm càng tốt. Về phía gia đình, bản thân mỗi người nên trang bị cho mình kiến thức nhận diện hành vi xâm hại trẻ em, từ đó có biện pháp chủ động phòng ngừa và tố giác kịp thời.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, đối với những tội phạm về xâm hại trẻ em cần phải có chế tài nặng hơn, kèm theo những biện pháp để ngăn chặn khả năng tái phạm. Thậm chí, cần thiết phải quy định xử lý đối với những người chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Thành phố cần đưa xử án điểm những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, để xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại trẻ em.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nhật Nam đề nghị cần tăng cường quản lý nhà nước trong việc phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, xem đây là trách niệm chung của các cấp các ngành.

Tại chương trình, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Đức Hải cho biết, Thành phố sẽ có giải pháp căn cơ và đồng bộ, quyết liệt thực hiện để chăm lo và bảo vệ tốt nhất cho trẻ em. Tuy nhiên giải pháp thiết thực nhất chính là các đoàn thể chính trị - xã hội cùng vào cuộc; nêu cao vai trò góp sức của người dân trong tố giác tội phạm để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em, và nhất là hạn chế đến tối đa diễn biến phức tạp của tình trạng xâm hại trẻ em.

Khi phát hiện vụ việc xâm hại trẻ em, người dân cần báo ngay tới một trong các nơi: UBND phường, xã, thị trấn; cơ quan công an; cơ quan LĐTB-XH; hoặc điện thoại tới tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em); 113, 1900545559 (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP Hồ Chí Minh); 18009069 (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh). 

 

VL