Bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khám bệnh, điều trị
cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: TTXVN)


Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ sở thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để kịp thời tiếp nhận thu dung và điều trị bệnh nhân; tổ chức tập huấn quy định về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue” của Bộ Y tế; giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong vòng 48 giờ; đánh giá nguy cơ bùng phát, lây lan của dịch để triển khai nhanh các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng; giám sát, xử lý các điểm nguy cơ có khả năng phát sinh muỗi, lăng quăng truyền bệnh SXH trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường tại các địa bàn dân cư tại Thành phố; lập danh sách các điểm nóng môi trường có nguy cơ đọng nước chứa lăng quăng là nơi phát sinh muỗi và có phương án giải quyết cho từng điểm.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các báo, đài vận động người dân trên địa bàn Thành phố thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh SXH.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn Thành phố tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học; huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng tại gia đình và cộng đồng, xem đây là một trong các nội dung sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên; tổ chức tổng vệ sinh môi trường hàng tuần trong dịp hè tại các trường học, không để ứ đọng nước phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh SXH…

Bộ Tư lệnh Thành phố vận dụng hệ thống dân quân tại địa phương tham gia vào đội phun hóa chất y tế xử lý dịch bệnh SXH; tự chịu trách nhiệm vệ sinh môi trường hàng tuần, không để ứ đọng nước phát sinh muỗi, lăng quăng truyền bệnh tại trụ sở làm việc, các điểm đóng quân, doanh trại, kho, bãi của quân đội.

Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vận động đoàn viên, thanh niên xung kích trong công tác tham gia làm sạch vệ sinh môi trường tại khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, trường học và ngay tại nhà của mỗi đoàn viên trên toàn Thành phố; thực hiện các biện pháp loại bỏ các vật chứa nguy cơ phát sinh muỗi, lăng quăng tại nơi làm việc, hưởng ứng vì một môi trường làm việc “Cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không muỗi”…

UBND các quận-huyện có trách nhiệm tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh SXH; đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh vào các hoạt động thường quy khác; đưa tiêu chí “không có lăng quăng và côn trùng truyền bệnh” vào nội dung kiểm tra vệ sinh của nhà hàng, khách sạn, quán ăn; không để tồn tại các vật chứa nước có khả năng phát sinh lăng quăng tại nơi công cộng như công viên, trụ sở làm việc; xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bên ngoài nhà dân, trụ sở làm việc…

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7 số ca SXH tại Thành phố được báo cáo là 6.456 ca, tăng 123% so với tháng 6. Tính từ đầu năm tới nay, là 31.787 ca, tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018. Diễn biến của bệnh tương tự như mùa dịch những năm trước, với mùa dịch bắt đầu từ tháng 6 năm trước và kết thúc khoảng tháng 3 năm sau./.

V.Lê