Theo phản ánh của người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đan xen trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những vấn đề bức xúc đối với người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống người dân trong khu vực.

Ông Võ Văn Diệp, cử tri khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12 cho biết: Các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn gây ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng sức khỏe, đời sống sinh hoạt người dân; còn có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt nếu có sự lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường. Chính quyền địa phương cần có giải pháp quyết liệt để xử lý và không để phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân trong khu vực.  

Chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 4/2019. Ảnh: hmccpv.org.vn


Cử tri Nguyễn Thị Tuyết Nga, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều cơ sở tái chế giấy, chăn nuôi gia súc, gia cầm xả thải, khói thải ra môi trường làm các hộ dân rất bức xúc. Bên cạnh đó, xe tải chở nguyên vật liệu, sản phẩm thường xuyên ra vào các cơ sở này gây hư hại đường giao thông trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm và có lộ trình di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư trong thời gian sớm nhất để người dân ổn định đời sống.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12, cho biết: Trên địa bàn quận có khoảng 2.700 doanh nghiệp nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư. Vì vậy, quận tích cực thực hiện các giải pháp để kiểm tra, rà soát đảm bảo các doanh nghiệp này không gây ô nhiễm môi trưởng, ảnh hưởng đến người dân. Trong đó, trên địa bàn phường Đông Hưng Thuận có 42 cơ sở hoạt động nhuộm vải, tái chế giấy, sản xuất thực phẩm có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, quận đã quyết liệt xử lý và di dời 38 cơ sở, hiện còn 4 cơ sở đang tiếp tục xử lý hoặc đình chỉ hoạt động.

Trước phản ánh của cử tri, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết: Huyện có hơn 8.000 công ty, doanh nghiệp hoạt động, trong đó có trên 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đan xen trong khu dân cư. Qua kiểm tra cũng như phản ánh của người dân, huyện đã xử phạt 166 cơ sở vi phạm về môi trường với số tiền hơn 14 tỷ đồng, buộc khắc phục hệ thống khí thải, xả thải, ngưng hoạt động, di dời 118 cơ sở và sẽ tiếp tục di dời 164 cơ sở trong năm 2019.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, để đảm bảo công tác quản lý các cơ sở nhỏ lẻ, địa phương cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình kích cầu, tiếp cận Quỹ bảo vệ môi trường, đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố bố trí địa điểm để di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Long, Cơ sở sản xuất Phạm Văn Long, Quận 12, cho biết: Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở ngành, Cơ sở đã đầu tư 40 tỷ đồng để di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp hiện đang gặp phải là phải dùng hệ thống nhiệt, hệ thống hơi bằng gas, điện do Khu công nghiệp cung cấp với chi phí cao và phải đóng phí sử dụng thường xuyên trong khi cơ sở sản xuất theo thời vụ khiến chí phí sản xuất của cơ sở tăng gấp 4 lần so với trước. Ông đề xuất được sử dụng các nguyên liệu tạo nhiệt, nồi hơi truyền thống trước đây như củi bằm, than, trấu hoặc giảm chi phí sử dụng nhiệt, hơi chung tại Khu công nghiệp để giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương hỗ trợ 40 cơ sở chuyển đổi ngành nghề kinh doanh và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của 316 cơ sở. Việc giải quyết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường còn gặp một số vấn đề khó khăn do cơ sở hay thay đổi pháp nhân khi xảy ra vi phạm, tự ý chuyển đổi địa điểm sản xuất, có dấu hiệu đối phó khi có đoàn kiểm tra, giám sát.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, để giải quyết triệt để các cơ sở nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các quận, huyện, sở, ngành để kiểm tra định kỳ, đột xuất; tăng cường vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, sử dụng các nguyên liệu sản xuất thân thiện với môi trường để giảm chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải, khí thải.

Đề xuất thêm về hướng giải quyết, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Sở sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá 6 cụm công nghiệp có thể di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tiếp tục tạo quỹ đất để các cơ sở di dời. Nếu doanh nghiệp nào cố tình xé bỏ niêm phong dừng hoạt động, vi phạm nhiều lần, không tuân thủ các biện pháp xử phạt thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.

Lãnh đạo Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Việc xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đan xen trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường là việc làm cấp thiết, trong đó cần chú trọng đến giải pháp di dời. Tuy nhiên, chủ đầu tư các cụm công nghiệp, khu công nghiệp có cơ sở nhỏ lẻ di dời vào hoạt động cần tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động ổn định, tăng tính cạnh tranh.

Một trong những giải pháp hiệu quả là thực hiện liên thông các ngành và địa phương trong vấn đề cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của người dân, kịp thời kiểm tra, xử lý những cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh của người dân, thực hiện tốt công tác đối thoại tại địa phương giữa chính quyền, cử tri và doanh nghiệp./.

PV/TTXVN