Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thưa đồng chí, trong những năm gần đây, TPHCM và các địa phương của Nhật Bản liên tục có nhiều chuyến thăm giữa các đoàn đại biểu cấp cao. Đồng chí đánh giá như thế nào về mối quan hệ này, đặc biệt là kết quả sau chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản (từ ngày 6 đến 15/4) của Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM mà đồng chí làm trưởng đoàn?

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng: Có thể khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực, với sự tin cậy cao về chính trị. Từ đầu năm 2017 đến nay, giao lưu đoàn cấp cao giữa hai nước diễn ra mật thiết với chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 1-2017). Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vào tháng 3-2017 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt dấu mốc và tạo động lực mới cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian tới. Hiện hai bên đang phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp tới.

Trong bối cảnh đó, TPHCM vui mừng góp phần vào quan hệ sôi động giữa Việt Nam và Nhật Bản, thông qua việc là địa phương thu hút nhiều nhất đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản với nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, điển hình là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; triển khai nhiều dự án hợp tác thiết thực với các địa phương Nhật Bản, có thể xem là điển hình tiêu biểu về sự năng động và tính hiệu quả cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TPHCM và các địa phương nước ngoài; đồng thời còn có nhiều hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa sôi nổi thời gian qua.

Chuyến thăm, làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM lần này cũng đã thành công rất tốt đẹp. Đoàn đã được Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do LDP; Chánh Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản, các Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và du lịch Nhật Bản tiếp và trao đổi. Đoàn cũng đã đến thăm, làm việc cùng các địa phương từ lâu có quan hệ hợp tác với TPHCM như Osaka nhân dịp kỷ niệm 10 năm TPHCM và tỉnh Osaka ký quan hệ hợp tác, 20 năm quan hệ hợp tác với thành phố Osaka. Ngoài ra, đoàn cũng đã có một số cuộc gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh, thành khác; đại diện tổ chức kinh tế, doanh nghiệp của Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác giữa TPHCM với các địa phương của Nhật Bản. Đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, du lịch, lĩnh vực công nghệ cao, bởi đây là những lĩnh vực TPHCM rất quan tâm và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cũng trong khuôn khổ của chuyến đi, đoàn đã có các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch tại 5 tỉnh và thành phố: Osaka, Tokyo, Hyogo, Aichi, Nagano. Trong đó có 2 hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch tại thành phố Osaka và tỉnh Hyogo, với mục đích giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư tiêu biểu của TPHCM, cùng những tiềm năng, điều kiện thuận lợi đầu tư, du lịch. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác thông qua các hoạt động kết nối giao thương; khảo sát thị trường; tham quan các dự án, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

Với tiềm năng và lợi thế như đồng chí đã phân tích, trong thời gian tới, Nhật có thể vươn lên xếp thứ 1 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại TPHCM?

Tại các buổi tiếp, làm việc, các bên đều cho rằng việc Nhật Bản phấn đấu trở thành nhà đầu tư số 1 tại TPHCM là hoàn toàn có khả năng. Chúng tôi tin tưởng hai bên có tiềm năng, có thế mạnh để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thực hiện được mục tiêu đó.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng các đại biểu dự triển lãm “Những ngày TPHCM tại Osaka” Ảnh: VIỆT DŨNG

Về phía TPHCM, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản làm ăn, kinh doanh thành công tại TP, để TPHCM trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời cũng giúp chính TPHCM huy động được các nguồn lực để thực hiện được 7 Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ TPHCM, đưa TPHCM sớm trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đồng chí đánh giá như thế nào về tiềm năng thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường của TPHCM qua các buổi làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp của Nhật đã triển khai tốt hình thức này?

 Có thể nói, tại TPHCM, việc thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên địa bàn TP có 20 dự án PPP đã hoàn tất ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 67.000 tỷ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. Hiện nay TP đang tiếp tục kêu gọi đầu tư 95 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 121.433 tỷ đồng (khoảng 5,4 tỷ đô la).

Việc huy động nguồn lực xã hội bằng các hình thức PPP là một yêu cầu bắt buộc đối với TPHCM, bởi nhu cầu đầu tư của chúng ta để thực hiện 7 Chương trình đột phá là rất lớn. Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào vốn ngân sách hay vốn ODA mà phải huy động cho được các nguồn lực xã hội khác cho TP. Với mô hình PPP đang áp dụng rất thành công tại Nhật Bản cũng như một số mô hình đang áp dụng thành công ở TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, tôi tin rằng với kinh nghiệm của Nhật Bản, cùng sự nhiệt thành kêu gọi đầu tư của TPHCM, sắp tới sẽ có nhiều dự án được các nhà đầu tư Nhật Bản và một số nước quan tâm, triển khai thực hiện sớm.

Trong các buổi làm việc của đoàn, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất tại TPHCM hoặc các doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư, họ quan tâm điều gì nhất thưa đồng chí?

 Qua các chuyến thăm, làm việc với các địa phương và gặp gỡ một số doanh nghiệp cũng như thực hiện một số ký kết, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng các chính sách ưu đãi của TPHCM. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới thì doanh nghiệp Nhật mong muốn (và đó cũng chính là điều TP cần phải làm), là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hơn nữa, đặc biệt là cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính. TPHCM nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường đầu tư tốt đối với các doanh nghiệp nước ngoài, thì không chỉ dừng lại ở các ưu đãi, chính sách hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mà trên hết, đó là sự đồng hành và luôn hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo TP trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ rằng sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TPHCM. Chúng tôi xem thành công của các doanh nghiệp nước ngoài cũng chính là thành công của chúng tôi.

Trân trọng cám ơn đồng chí!

Hồng Hiệp/SGGP (thực hiện)