Sáng 8/10, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ Mười (kỳ họp bất thường) xem xét một số tờ trình của UBND TP về triển khai cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã đến dự.

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy; Tô Thị Bích Châu, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh...

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm
cùng các Phó Chủ tịch HĐND TP điều hành kỳ họp - Ảnh: PC

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu rõ, Nghị quyết 54 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, HĐND TP đã tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 3/2018 để cho ý kiến và quyết định một số vấn đề, đề án để thực hiện các nội dung quan trọng Nghị quyết 54 của Quốc hội. Việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cả hệ thống chính trị TP đã nỗ lực thực hiện trong hơn 8 tháng qua và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, kỳ họp này có nội dung trọng tâm là tiếp tục ban hành các vấn đề, đề án triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP và các nội dung quan trọng khác.

Cụ thể, HĐND TP sẽ thảo luận xem xét và quyết định thông qua 5 tờ trình là: Ban hành nghị quyết về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố; xem xét quyết định phân cấp, ủy quyền; quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố; quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A và các dự án thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố; xem xét và quyết định việc thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân với đại biểu dự kỳ họp - Ảnh: Long Hồ

Gần 1.135 tỷ đồng cho chương trình sữa học đường

Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe tờ trình của UBND TP về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ 6-10 tuổi của trẻ thì bữa ăn ngoài việc cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động thì sữa là nguồn dinh dưỡng cung cấp các vitamin, khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao chứa đủ các acid amin thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc đầu tư cho trẻ hôm nay để có một thế hệ tương lai phát triển mạnh về thể chất và trí tuệ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đề án. Trong đó, phát ra 260.695 phiếu, thu về gần 232.000 phiếu, nhận được 84,4% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần.

Theo đó, chương trình sữa học đường, UBND TP đặt mục tiêu 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học các trường tham gia đề án được uống sữa theo chương trình. Đồng thời, 100% cha mẹ học sinh, người chăm sóc có con em tham gia đề án được truyền thông, tư vấn về chương trình sữa học đường.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất triển khai chương trình ngay trong năm học 2018-2019, triển khai đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong năm học 2019-2020, sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.

UBND TP đề xuất áp dụng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trong các trường công lập, ngoài công lập và trẻ em tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, học sinh sẽ uống sữa 9 tháng/năm học (trừ 3 tháng nghỉ hè). Mỗi học sinh sẽ uống mỗi ngày 1 hộp, mỗi tuần uống 5 lần.

Theo tính toán, tổng kinh phí thực hiện đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ, các học sinh đóng gần 548 tỷ đồng (50% kinh phí mua sữa).

Kỳ họp thứ mười của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX - Ảnh: PC

Xem xét thông qua đề án xây dựng nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng

Liên quan đến đề xuất thực hiện dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết trước đây vào thời Pháp thuộc, có 3 nhà hát Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP), Nhà hát Philharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP (nay chỉ còn Nhà hát TP). Các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.

Vì thế, UBND TP đặt mục tiêu xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của đất nước; là một trong những công trình thiết chế văn hóa mới tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định vị thế của TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có 1.700 chỗ, với 2 khán phòng (lớn 1.200 chỗ, nhỏ 500 chỗ), được xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2020. Tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.500 tỷ đồng, từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).

Dự kiến Kỳ họp thứ mười diễn ra đến hết ngày 8/10./.

Phạm Cường