Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, tập đoàn vắc xin Jassen tại Hàn Quốc (nhà sản xuất vắc xin Quinvaxem, Berna Biotech) đã có thư thông báo ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem từ năm 2016 và ngừng cung ứng vắc xin Quinvaxem trên toàn cầu từ năm 2018. Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin 5 trong 1 (Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Viêm gan B-Hib) khác tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin Quinvaxem. Theo Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia hiện đang chờ vắc xin này được cấp phép xuất xưởng nên chưa thể tiếp tục cấp phát vắc xin DPT-VGB-Hib (Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Viêm gan B-Hib) cho các tỉnh/thành phố trên toàn quốc.

Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Với nỗ lực điều phối giữa các tuyến của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, số vắc xin Quinvaxem (DPT-VGB-Hib) tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đủ sử dụng trong tháng 8/2018. Vì vậy, trong tháng 9/2018, dự kiến hầu hết các Trạm y tế và Bệnh viện/Trung tâm có Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn sẽ không có vắc xin Quinvaxem để sử dụng.

Để kịp thời đáp ứng với tình hình trên, Sở Y tế cùng Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp và có văn bản chính thức gửi đến 24 Trung tâm Y tế quận huyện và 14 Bệnh viện/Trung tâm có Tiêm chủng mở rộng nhằm thông tin về tình hình thiếu vắc xin Quinvaxem, đồng thời hướng dẫn các đơn vị triển khai các giải pháp chuyên môn cũng như các hoạt động tư vấn, truyền thông cho người dân.

Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố khuyến cáo, đối với các phụ huynh có trẻ 2-3-4 tháng tuổi vẫn đưa trẻ ra Trạm Y tế trên địa bàn cư trú để trẻ được uống vắc xin ngừa bệnh bại liệt, đồng thời tuân thủ theo lịch hẹn tiêm chủng lần sau của Trạm Y tế.

Khi cho trẻ đi tiêm chủng cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên hệ (đặc biệt là địa chỉ hiện ở, số điện thoại), nhằm giúp Trạm Y tế có thể thông báo cho phụ huynh về lịch tiêm bù vắc xin ngay khi Trạm Y tế nhận được vắc xin 5 trong 1 trở lại, để đảm bảo trẻ không bị mất mũi tiêm chủng phòng bệnh quan trọng.

Mặt khác, để có thể bảo vệ trẻ không bị lây bệnh, phụ huynh cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: rửa tay bằng nước và xà bông trước khi chăm sóc, tiếp xúc trẻ; không để trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc có các triệu chứng bệnh hô hấp, sốt chưa rõ nguyên nhân. 

Trường hợp nếu phụ huynh có điều kiện thì có thể cho trẻ tiêm vắc xin dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thay thế vắc xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng./.

VL