Đến với Chương trình "Cần Giờ yêu thương", người dân và du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Ảnh: Quốc Thanh

Lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn, tạ ơn Thần Nam Hải (cá Ông) và Thần Biển của ngư dân huyện Cần Giờ. Trước đây, lễ hội được diễn ra vào khoảng trung tuần tháng Ba âm lịch, nhưng từ năm 1914, do điều kiện kinh tế, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân nên lễ hội được dời vào ngày Rằm tháng Tám. Thời điểm diễn ra lễ hội thường là lúc ngư dân đánh bắt được mùa nên cũng trở thành ngày Tết của ngư dân huyện Cần Giờ.

Đại diện Ban Tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ cho biết: Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội, phần lễ được tổ chức trang nghiêm và long trọng theo đúng phong tục của địa phương; phần hội sôi động với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí đặc trưng miền biển như: thả chài, bắt vịt trên biển, trói cua, đá bóng cà kheo. Năm 2019 phần hội có hai điểm mới, điểm mới đầu tiên là vận động người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch. Điểm mới thứ hai là tuyên truyền về biển đảo quê hương vì Cần Giờ là vùng biển của TP Hồ Chí Minh.

Đến với chương trình “Cần Giờ yêu thương”, người dân và du khách còn được xem chương trình văn nghệ đặc sắc ca ngợi vẻ đẹp cùng những bước tiến không ngừng của vùng đất Cần Giờ thể hiện qua các ca khúc như: Cần Giờ biển gọi, Màu xanh Cần Giờ, Cần Giờ yêu thương, Chiều hè trên bãi biển, Cần Giờ niềm tin đi tới, Hát biển tình yêu… với sự tham gia biểu diễn của: NSND Tạ Minh Tâm, ca sĩ Cẩm Ly, Quốc Đại, Tiêu Châu Như Quỳnh, Võ Hạ Trâm, Dương Quốc Hưng…

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất thủy sản và giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia của huyện Cần Giờ. Ảnh: Quốc Thanh

Dịp này, UBND huyện Cần Giờ cũng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất thủy sản và giữ gìn, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Lăng Ông Thủy Tướng và Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ./.

Tân Lê