Thu hoạch muối ở Cần Giờ. (Nguồn: SGGP)

Theo đó, Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các chính sách phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất muối tại huyện Cần Giờ phù hợp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố được giao quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình tiêu thụ, nhập khẩu muối, muối i-ốt; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh muối, muối i-ốt trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ có trách nhiệm rà soát thực trạng quy hoạch sản xuất muối tại địa phương; xây dựng phương án chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy, hải sản và ngành nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của Thành phố; khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến muối;

TP.Hồ Chí Minh cũng ưu tiên kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến muối; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân làm muối để đảm bảo sản xuất muối ổn định; hỗ trợ người dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; cải tạo nâng cấp đồng muối và phát triển du lịch tham quan nhằm bảo tồn làng nghề muối truyền thống.

Ngoài ra, ngành chức năng và địa phương theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời thông báo và hướng dẫn người dân làm muối làm đúng quy trình sản xuất; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng muối, gắn với xây dựng nông thôn mới…

TP.Hồ Chí Minh cũng giao các sở-ngành liên quan hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tiêu thụ với hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh muối nhằm giúp cho người làm muối tiêu thụ sản phẩm muối khi gặp khó khăn về đầu ra; hỗ trợ tiêu thụ muối trên địa bàn huyện Cần Giờ thông qua việc ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm muối với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh muối; kết nối các điểm tham quan du lịch để hình thành các tuyến du lịch kết hợp với làng nghề muối trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Được biết, làng nghề muối truyền thống của huyện Cần Giờ là một trong 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được TP.Hồ Chí Minh phát triển và bảo tồn. Huyện Cần Giờ có nghề sản xuất muối nổi tiếng với hơn 700 hộ sản xuất muối, tạo việc làm cho hơn 2.870 lao động với diện tích sản xuất muối là 1.558,05 ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, diện tích sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt 1079 ha, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tổng số hộ sản xuất muối toàn Thành phố là 667 hộ, tập trung ở bốn xã là Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, trong đó, Lý Nhơn có diện tích lớn nhất, hơn 830 ha.

Với mục tiêu quy hoạch, phát triển nghề muối, đưa tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất, nâng cao chất  lượng sản phẩm, ngay từ năm 2007, Chi cục Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giờ đưa mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp kết tinh trên bạt vào áp dụng tại địa phương này, qua đây, chất lượng và giá thành muối do người dân sản xuất đã tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm muối.

Trong ba tháng đầu năm nay, tổng sản lượng muối của TP.Hồ Chí Minh đạt 15.048,2 tấn; trong đó, sản lượng muối đất 11.203 tấn, sản lượng muối trải bạt 3.845,2 tấn. Sản lượng muối đã được thu hoạch 15.048,2 tấn; trong đó, tiêu thụ 3.750 tấn. Giá thu mua: Muối đất 1.200 đồng/kg; muối trải bạt 1.300 đồng/kg. Diện tích sản xuất muối tại thành phố (huyện Cần Giờ) là 1.558,05 ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt 1079 ha, tăng 8,9% so với cùng kỳ.../.

K.V