Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với lãnh đạo sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngày 12/12, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với lãnh đạo sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Cơ hội và thách thức đối với người Việt Nam ở nước ngoài về khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh”. 

Đây là dịp để các sở, ngành thành phố cung cấp thông tin cho doanh nghiệp kiều bào, nhất là doanh nghiệp kiều bào trẻ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, góp ý trực tiếp với các cơ quan chính quyền thành phố.

Theo ông Phùng Công Dũng, Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, kiều bào Việt Nam ở các nước trên thế giới đều mong muốn tham gia đóng góp sức mình vào sự phát triển của thành phố. Đặc biệt, doanh nghiệp kiều bào trẻ đã và đang trở về ngày càng nhiều, đồng hành cùng doanh nghiệp trẻ trong nước thi đua lao động sáng tạo nhằm nâng tầm văn hóa Việt, phát triển mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật để vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, môi trường và các điều kiện cho khởi nghiệp, gồm hệ thống khung pháp luật, các chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm… giúp bảo đảm tính ổn định và độ sẵn sàng vẫn còn có những hạn chế. Ông Phùng Công Dũng cho rằng, việc hoàn thiện các điều kiện cho khởi nghiệp, trong đó vấn đề về chính sách tài chính là yêu cầu cần thiết nhất, giúp cộng đồng khởi nghiệp nhanh chóng vươn lên.



 Ông Phùng Công Dũng, Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh
 phát biểu tại hội nghị.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao cho rằng, hiện môi trường sản xuất kinh doanh ở Việt Nam rất năng động, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đều trên 6%. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã được hình thành; hoạt động đầu tư, đổi mới doanh nghiệp được chú trọng, điều kiện sống ngày càng thuận lợi là cơ hội tốt để doanh nghiệp kiều bào mạnh dạn hơn nữa trong việc đầu tư, tham gia khởi nghiệp và kinh doanh ở Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Gần 40 năm trở về và đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Phú, kiều bào Pháp vẫn "e ngại" về các thủ tục hành chính, chính sách đầu tư và nhất là các lĩnh vực thuế, hải quan. Bên cạnh đó, các thông tin trong nước và nước ngoài về luật, chính sách đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh có những lúc trái chiều làm cho doanh nghiệp kiều bào không xác định được thông tin đúng để đầu tư kinh doanh tại quê hương.

Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Ngọc Phú mong muốn Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố cũng như các cơ quan truyền thông có thông tin xác thực về chủ trương, chính sách của nhà nước để thật sự là cầu nối giữa doanh nghiệp kiều bào với việc thu hút đầu tư của chính quyền địa phương. Các cơ quan nhà nước cũng cần tổ chức nhiều hơn nữa những buổi tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe các kiến nghị, góp ý và đồng hành cùng doanh nghiệp kiều bào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp kiều bào trẻ tham gia đối thoại với lãnh đạo sở, ngành TP Hồ Chí Minh.

Đại diện các doanh nghiệp kiều bào trẻ, ông Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore cho rằng, với dân số gần 10 triệu người, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp kiều bào trẻ đã và đang tìm cơ hội chinh phục hay muốn “thử sức” ở thị trường khá lớn này, trước khi vươn ra tầm thế giới.

Cũng tại hội nghị, thông tin chung về hoạt động khởi nghiệp tại thành phố, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở  Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2017 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trên 90 triệu USD từ ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hiện cộng đồng đổi mới sáng tạo thành phố đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ; 24 cơ sở ươm tạo; 12 không gian khởi nghiệp và hơn 760 startup. Phần đông, các Startup tập trung vào lĩnh vực ICT, nông nghiệp, giáo dục đào tạo... Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm và lực lượng trí thức của doanh nghiệp kiều bào để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện là điểm đến khởi nghiệp của nhiều kiều bào trẻ. Theo thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố đón hơn 30.000 kiều bào trẻ về thăm quê hương và tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, xây dựng sự nghiệp tại Việt Nam./.

Tin, ảnh: Thanh Vũ/TTXVN