Khách quốc tế tham quan tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.Hồ Chí Minh (ảnh: VL)

Hội nghị xoay quanh các nội dung về thuận lợi, khó khăn, tồn tại, kiến nghị của các doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh và khai thác du lịch. Trong đó, nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành, khách sạn cơ sở lưu trú đã nêu các ý kiến liên quan đến việc xác định trọng tâm các sản phẩm du lịch; quy hoạch các công trình trọng điểm với cơ sở hạ tầng hiện đại để phát triển sản phẩm du lịch MICE (hội nghị kết hợp du lịch), du lịch ẩm thực, du lịch sức khỏe, du lịch đường thủy nội đô cũng như các vướng mắc trong việc xin giấy phép xác nhận tiêu chuẩn hạng sao của các khách sạn… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay ngành du lịch Thành phố đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu các sản phẩm du lịch, lễ hội văn hóa, ẩm thực; có hiện tượng nhái thương hiệu tràn lan, vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng cướp giật xảy ra với du khách… 

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tích cực đóng góp vào sự phát triển của du lịch Thành phố. Lực lượng doanh nghiệp du lịch Thành phố ngày càng lớn mạnh, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế, góp phần định vị và nâng cao thứ hạng du lịch Thành phố trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh còn hạn chế như: không thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh du lịch chưa đầy đủ… Một số doanh nghiệp nhái thương hiệu, sao chép nội dung các chương trình sản phẩm du lịch diễn ra công khai, nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn; tình trạng quảng cáo, kinh doanh qua mạng của một số công ty kinh doanh lữ hành không phép đã gây khó khăn cho những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hợp pháp và môi trường kinh doanh lữ hành của ngành du lịch Thành phố.

Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt cho biết thêm: tình trạng nhiễu loạn thông tin về các doanh nghiệp du lịch diễn ra khá phổ biến trên các trang mạng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng lợi dụng thương hiệu của các doanh nghiệp lớn để chào bán tour du lịch không đảm bảo chất lượng, lừa người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn để các doanh nghiệp lữ hành có môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khi phát hiện công ty nào có hành vi lợi dụng thương hiệu, nhái sản phẩm du lịch thì đề nghị nhà mạng cần cắt luôn đường truyền, tên miền của công ty đó để có sức răn đe.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp đồng tình cho rằng, sản phẩm du lịch ở Thành phố hiện đang cạn kiệt. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh, nhận định cần có điểm nhấn cho các điểm đến. "Một điểm đến hấp dẫn thể hiện độ dài lưu trú, chúng tôi muốn khách đến TP.Hồ Chí Minh lưu trú ba ngày nhưng con số này vẫn chưa đạt" - bà Khánh nhấn mạnh.

Bà Khánh cũng đề nghị Thành phố ưu tiên phát triển du lịch đường thủy nội đô, nghiên cứu các chương trình mua sắm đạt chuẩn, đưa các ấn phẩm về điểm đến TP.Hồ Chí Minh lên máy bay; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch phải được nâng tầm và chuyên nghiệp hơn.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Phạm Huy Bình cho rằng, Thành phố cần thông qua chiến lược phát triển du lịch mang tính dài hạn; tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch lồng ghép các hoạt động văn hóa, mang dấu ấn thương hiệu điểm đến TP.Hồ Chí Minh; hợp tác triển khai các sự kiện chung, các chương trình khuyến mãi, kích cầu của ngành, liên ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, giá cạnh tranh. 

Đại diện Công ty Bến Thành Tourist – ông Nguyễn Ngọc Châu kiến nghị: “Lãnh đạo Thành phố cần xem xét, cho gắn biển báo ưu tiên dừng, đỗ xe tại một số tuyến điểm tham quan du lịch trọng điểm, nhằm hỗ trợ hoạt động vận chuyển du khách thuận lợi hơn, tránh ảnh hưởng xấu đến tâm lý của du khách và các đơn vị kinh doanh du lịch”. 

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đối với vấn đề thương hiệu trùng nhau Sở sẽ kiểm tra và xử lý theo quy định. Đối với những những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch mà các doanh nghiệp du lịch đã kiến nghị như liên quan tới thuế, giao thông, giá điện…, Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành phố sẽ có hướng giải quyết cụ thể, gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp. “Tuần sau Thành phố có kế hoạch cụ thể tổng kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch trên mạng nhằm chống hành vi gian lận và giả mạo, vi phạm pháp luật, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm” - ông Tuyến nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Trong 9 ngành dịch vụ của Thành phố, ngành du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn tạo giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, phát triển du lịch của Thành phố vẫn còn khiêm tốn. Để du lịch Thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các sở, ngành cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030 và chậm nhất đến tháng 9/2017 phải trình UBND Thành phố xem xét thông qua.

Tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, TP.Hồ Chí Minh sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch và cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch, phát huy vai trò các ngành nhằm đạt được mục tiêu 15 triệu khách quốc tế đến Thành phố trong những năm tới, đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh, tính đến quý I/2017, đơn vị đã quản lý 1.161 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, trong đó có 573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 527 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 52 đại lý lữ hành, 9 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh. TP.Hồ Chí Minh hiện có 5.010 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, trong đó hướng dẫn viên quốc tế có khoảng 2.639 hướng dẫn viên và 2.371 hướng dẫn viên nội địa. 

VL