Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó GS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức của công nhân ngày được nâng cao. Xu hướng hội nhập và phát triển công nghiệp đã giúp điều kiện lao động tại các doanh nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, do mặt bằng tiền lương thấp, tốc độ lạm phát cao, giá cả các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu tăng mạnh nên thu nhập thực tế của người công nhân chỉ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, đời sống công nhân còn gặp nhiều khó khăn.

Tại một số doanh nghiệp, nhất là những ngành thâm dụng lao động vẫn còn tình trạng tăng ca, làm thêm giờ; công nhân lao động làm việc với máy móc lạc hậu, điều kiện làm việc nặng nhọc. Các dịch vụ xã hội cơ bản như cơ sở y tế, trường học, nhà ở, các thiết chế văn hóa… hầu hết ở các khu đô thị chưa được hoạch định đầy đủ hạ tầng xã hội, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu thụ hưởng ở mức cơ bản của công nhân.

Nghiên cứu từ tổng quan, đặc điểm, đến chất lượng cuộc sống của người lao động, Thạc sĩ Lê Văn Thành, chuyên gia các vấn đề về văn hóa xã hội cho rằng, chất lượng cuộc sống của người công nhân hiện nay là thước đo về phúc lợi vật chất và giá trị tinh thần. Cụ thể, là việc làm và thu nhập (gồm lương, tiết kiệm, ổn định, thời gian); an sinh xã hội (gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp); môi trường làm việc (thoáng mát, an toàn, nước sạch, vệ sinh); nhà ở (diện tích, chất lượng, khoảng cách, tiền thuê); ăn uống (vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, dụng cụ nhà ăn); giáo dục, phương tiện đi lại; truyền thông và văn hóa (gồm chính sách, nếp sống văn minh, internet, hưởng thụ văn hóa)...

Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của công nhân cũng cần các tiêu chí “phi vật chất” như có quan hệ tốt với đồng nghiệp, giới chủ và quản lý; hài lòng với công việc; chia sẻ được với bạn cùng phòng, cùng nhà lưu trú, môi trường xung quanh; quan hệ tốt với gia đình. Thạc sĩ Lê Văn Thành cho rằng, việc không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người nói chung, công nhân lao động nói riêng là nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, xã hội và cả cộng đồng.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân Thành phố, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tăng lương, giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần để tái sức lao động, nhất là công nhân những ngành nghề nặng nhọc, độc hại và công nhân nữ có thời gian chăm sóc cho trẻ và gia đình. Các cơ quan chức năng cần xác định rõ mức sống tối thiểu của người lao động  và thời điểm công bố để các cấp ngành có cơ sở đề xuất tăng lương, giúp người lao động cải thiện cuộc sống.

Ông Kiều Ngọc Vũ khuyến cáo doanh nghiệp tăng cường công tác quản trị, đầu tư mới trang thiết bị máy móc để đảm bảo an toàn lao động, doanh nghiệp có năng suất cao. Các tổ chức đoàn thể, hội ngành nghề đẩy mạnh phối hợp cùng doanh nghiệp thực hiện các hoạt động rèn luyện tay nghề, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Cùng quan điểm đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cấp, ngành và doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Các cấp, ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân, tổ chức quản lý điều hành nhà ở linh hoạt để người công nhân thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày; tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng thêm nhà giữ trẻ linh hoạt cho con em công nhân; đào tạo nghề, đào tạo lại, nâng cao mức lương, giảm giờ làm…

Quang cảnh hội thảo.


Để nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân, các đại biểu đã chia sẻ và đề xuất nhiều giải pháp chăm lo về đời sống, vật chất, tinh thần cho người lao động; trong đó, chú trọng đến các công tác an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc; tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn vệ sinh lao động. Nhiều đại biểu kiến nghị Thành phố cần có cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư thực hiện tốt chính sách pháp luật nhà nước; doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch của cấp chính quyền địa phương sát với thực tế; khuyến cáo doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; không nên thu hút những doanh nghiệp, ngành nghề thâm dụng lao động…

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã dự báo về những thay đổi ở khu vực công nhân lao động thành phố khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các vấn đề dịch chuyển lao động trong nội khối các nước ASEAN. Các tác động từ mức sinh chỉ còn trên 1,3 con, tương lai Thành phố phải “nhập khẩu” công nhân; xu thế đô thị hóa trong tiến trình phát triển; vấn đề về vận hành đô thị, xây dựng thành phố thông minh và những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và vẫn sẽ là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Công nhân vẫn sẽ tiếp tục gia tăng về số lượng và chất lượng. Vì thế, chăm lo chất lượng cuộc sống cho công nhân, không chỉ ở hiện tại mà còn cho tương lai, không chỉ vì trách nhiệm phúc lợi mà còn vì phát triển thành phố thông minh trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Thạc sĩ Lê Văn Thành khẳng định.

Một trong những nhiệm vụ cơ bản của phát triển giai cấp công nhân là làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân. Ngoài quyết tâm chính trị, sự hiểu biết đầy đủ về đối tượng thụ hưởng, sự đồng thuận của Nhà nước và doanh nghiệp, việc bố trí nguồn lực hợp lý có ý nghĩa sống còn với chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động một cách bền vững./.

Thanh Vũ/TTXVN