Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh - 25 năm thành công và thách thức”, do Sở Du lịch Thành phố tổ chức ngày 16/8. 

Theo bà Ánh Hoa, nếu như năm 1993, khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh là 519.000 lượt, năm 2017 đã đạt gần 6,4 triệu lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt, dự báo đến hết năm 2018 lượng khách quốc tế đạt khoảng 7,5 triệu lượt. Trong đó, khách du lịch nội địa cũng tăng nhanh, từ khoảng 1 triệu lượt vào cuối những năm 1990, đến năm 2017, khách nội địa đạt 24,9 triệu lượt. 

Tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của 
TP. Hồ Chí Minh - 25 năm thành công và thách thức”.


Tổng doanh thu từ du lịch cũng có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 40 lần trong giai đoạn 1997 - 2017. Tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành du lịch trong cơ cấu GRDP của thành phố hiện chiếm khoảng 11%. 

Đại diện Sở Du lịch Thành phố cũng nhận định, thành công trong công tác quản lý nhà nước về du lịch thời gian qua đã góp phần tăng trưởng doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và hướng dẫn viên. Nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố đã khẳng định uy tín, thương hiệu đối với thị trường du lịch trong nước và quốc tế, thường xuyên chiếm 50% trong top 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam. 

Bà Ánh Hoa cũng nhìn nhận, du lịch Thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về công tác quản lý như: Chưa có Chiến lược phát triển ngành du lịch Thành phố; các sản phẩm du lịch và dịch vụ bổ trợ cho du lịch chưa phong phú, hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu cho du khách…Mặt khác, nguồn nhân lực du lịch hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về chất lượng lẫn số lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo của ngành còn thấp, chưa có chính sách và chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… 

Tại tọa đàm, đại diện của các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch cũng đã phân tích những khó khăn ngành du lịch Thành phố đang gặp phải, tìm giải pháp khắc phục. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA) cho biết, mặc dù gặt hái nhiều thành công nhưng du lịch Thành phố vẫn chưa đạt được kết quả tương xứng với vị thế, đáp ứng kỳ vọng của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như của du lịch Việt Nam. 

Theo ông Lương, một trong nguyên nhân đó là chưa nỗ lực trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đột phá cho du lịch Thành phố để trở thành điểm đến “Du lịch không ngủ” và tạo những sản phẩm du lịch đặc thù của Thành phố như du lịch mua sắm, du lịch sinh thái cộng đồng… 

Ngành du lịch thành phố cũng chưa chủ động tham gia và thực hiện vai trò dẫn đầu trong liên kết phát triển du lịch với các địa phương, đặc biệt là địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và với các trung tâm du lịch lớn ở khu vực… 

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, góp phần cùng với Sở và lãnh đạo thành phố chung tay phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, vị thế. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, những ý kiến này sẽ tiếp thêm động lực giúp ngành du lịch Thành phố giữ vững tốc độ tăng trưởng, tạo ra đà phát triển mới cho ngành. Lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố cũng khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện về chiến lược phát triển, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực cũng như ứng dụng các công nghệ khoa học tiên tiến để phát triển du lịch Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch hiện nay theo xu hướng thế giới./. 

Gia Thuận /TTXVN