Chiều 16/10, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kết Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp), nhằm đánh giá 3 năm triển khai Chương trình và tìm các giải pháp hoàn thiện quy trình xét duyệt dự án trong thời gian tới.

Bà  Phan Thị Quý Trúc (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) báo cáo tổng kết về chương trình SpeedUp giai đoạn 2017 - 2019. (Ảnh: Hà Thế An/khampha.vn)


Chương trình SpeedUp do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai từ năm 2017 đến nay, nằm trong chương trình Hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình hợp tác với các cơ sở ươm tạo để tuyển chọn các dự án khởi nghiệp có tính mới và khả năng phát triển để hỗ trợ một phần kinh phí, giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao trình độ và phát triển thị trường. Mức hỗ trợ có thể lên đến 2 tỷ đồng cho một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Qua 3 năm triển khai, SpeedUp đã hỗ trợ cho 50 dự án (trong tổng số 160 dự án được các chuyên gia đánh giá, lựa chọn), trong đó có 24 dự án có vốn đối ứng từ các đối tác khác. 

Đến năm 2019, tổng kinh phí được xem xét hỗ trợ là 33,18 tỉ đồng, tổng số vốn đối ứng là 17,88 tỉ đồng.

Trong 50 dự án được hỗ trợ, 36 dự án nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 9 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, số dự án hoạt động thương mại điện tử chiếm 44%, giáo dục chiếm 14%, y tế - sức khỏe chiếm 14%, du lịch chiếm 11%…

Về tình hình hoạt động, tính đến tháng 9/2019 có 21/50 dự án được nghiệm thu với kết quả đạt yêu cầu, chiếm 42%.

Đặc biệt, 100% các dự án sau khi được nghiệm thu đều thành lập doanh nghiệp, bên cạnh 3 doanh nghiệp đang làm hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ và 1 doanh nghiệp đã có giấy chứng nhận.

Sau khi nghiệm thu, 1 dự án được nhà đầu tư mua lại với định giá tăng 1,5 lần và 6 dự án đã gọi được vốn cho giai đoạn tiếp theo, bên cạnh 5 dự án có doanh thu tăng từ 2 đến 10 lần.

Theo bà Phan Thị Quý Trúc (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố), Chương trình thực hiện mang tính “thí điểm” nên đang trong quá trình vừa triển khai vừa hoàn thiện. Thực tế các cơ sở ươm tạo và startup chưa quen với các thủ tục và quy trình của cơ quan nhà nước. Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình, biểu mẫu, các hướng dẫn về thủ tục hành chính,…để giúp startup tiếp cận dễ dàng hơn.

Bà Phan Thị Quý Trúc cũng cho biết, trong thời gian tới, Chương trình SpeedUp sẽ ưu tiên với các dự án đã có sản phẩm hoàn chỉnh, có mô hình kinh doanh, có sáng tạo trong sản phẩm, công nghệ và có một lượng khách hàng, doanh thu nhất định. Các dự án tham gia vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng, hoặc dạng mô hình SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ), không có mô hình kinh doanh rõ ràng, sản phẩm chưa có tính cạnh tranh…thì khó lòng được nhận hỗ trợ./.

PL (tổng hợp)