Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Chúm nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cán bộ công chức là công bộc của dân, có bổn phận phục vụ nhân dân. Đạo đức công chức phải thể hiện qua hành động cụ thể, qua công việc hằng ngày, giải quyết tận tâm, hiệu quả các nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của nhân dân. Hiện nay, việc xây dựng và thực hiện các tiêu chí về đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức được TP xem là yêu cầu cấp bách và trên cơ sở kế thừa tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ.

Theo Ban tổ chức, với sự thiết thực và tính cấp bách mà chủ đề tọa đàm đặt ra, chỉ trong một thời gian ngắn, ban tổ chức đã nhận được gần 60 tham luận từ nhiều cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Thành phố. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu trao đổi xoay quanh các chủ đề: trách nhiệm của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị trong việc thực hiện đạo đức công vụ; giải pháp xây dựng và thực hiện có hiệu quả các kế hoạch đặt ra cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu; cách thức đưa việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; xác định các nội dung đột phá và cách thức tổ chức thực hiện đạo đức công vụ nhằm tạo chuyển biến sâu sắc trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các địa phương, đơn vị; kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả đạo đức công vụ ở TP.Hồ Chí Minh…

Toàn cảnh Tọa đàm (Ảnh: Q.Huy)

PGS.TS. Nguyễn Phương Hoa, Trưởng Bộ phận chuyên trách Chỉ thị 05, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng hiện nay, chúng ta có nhiều quy định về các hành vi được phép thực hiện và những hành vi nghiêm cấm không được làm đối với cán bộ, công chức, viên chức… nhưng lại chưa rõ chế tài, chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm nên hiệu quả thực thi chưa cao. “Vì vậy, phải có những quy định về đạo đức công vụ kèm theo chế tài phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay. Điều đó cũng chính là chúng ta đang hiện thực hóa ý chí, quyết tâm hành động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhận định.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Việt Hùng (Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Chúng ta chưa quan tâm xây dựng môi trường văn hóa đạo đức cho cán bộ, công chức nên có những cán bộ gương mẫu thì bị coi là “lập dị”, bất thường bởi không giống số đông. Để nâng cao đạo đức công vụ cũng như hiệu quả việc học tập và làm theo Bác thì điểm mấu chốt là người đứng đầu cần nêu gương. TS Nguyễn Việt Hùng đề nghị cần tăng cường kiểm tra cấp ủy, người đứng đầu và sự nêu gương của họ trong việc có những hành vi hợp chuẩn, tránh những biểu hiện yếu kém, phản cảm.

Còn theo ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố để nâng cao đạo đức công vụ cần có hệ thống giải pháp đồng bộ vừa đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, vừa có cơ chế tạo điều kiện để các giá trị đó phát triển và ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức. Trong đó, giáo dục có vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành nhân cách người cán bộ, công chức.

Ông Trương Văn Lắm cho rằng, cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, giữa cơ quan quản lý chuyên ngành với thủ trưởng cơ quan đơn vị để đánh giá kết quả học tập, kết quả thực hiện của người cán bộ công chức, từ đó tạo môi trường để người cán bộ, công chức thực hành những nội dung đã được đào tạo bồi dưỡng.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư phát biểu kết luận tại Tọa đàm (Ảnh:Q.Huy)

 

Thẳng thắn chỉ ra thực trạng hiện nay, còn một số cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, có thái độ ứng xử không đúng mực với dân, còn gây phiền hà cho dân, để xảy ra bức xúc của nhân dân, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực nhấn mạnh cần xây dựng và thực hiện đúng đắn, nghiêm minh mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý. Trong đó xây dựng Đảng có ý nghĩa quyết định nhất, và yếu tố quan trọng trước tiên là xây dựng dân chủ trong Đảng. Cùng với đó là đổi mới cơ chế hoạt động của hệ thống nhà nước và chính quyền các cấp mà trước hết là cải cách bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tinh giản công đoạn thừa, biên chế thừa, chuẩn hóa cán bộ; phát huy cơ chế kiểm tra giám sát ở 3 cấp độ: HĐND, MTTQ và các đoàn thể, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Đặc biệt cần cải cách chế độ lương và thu nhập hợp lý để cán bộ, công chức, viên chức an tâm cống hiến.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư đánh giá cao tham luận của các đại biểu gửi về tọa đàm. Các tham luận đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu; những giải pháp xây dựng và thực hiện có hiệu quả đạo đức công vụ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Thân Thị Thư cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ tổng hợp đầy đủ, đề xuất báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để có chỉ đạo sâu về nội dung này, tiến tới xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chuẩn mực đạo đức công vụ, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân./.

V.Lê - Q.Huy