Theo báo cáo của UBND 5 phường, xã (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1; phường 15, Quận 8; phường 5, quận Gò Vấp; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cho rằng công tác cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, quy trình xác định đối tượng, đưa người nghiện cư trú ổn định tại địa phương vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn phức tạp.

Các phường xã cũng cho rằng, thực trạng sử dụng trái phép loại ma tuý tổng hợp ngày càng gia tăng, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, bất cập. Từ đó, các phường xã kiến nghị TPHCM tập trung xử lý mạnh tay đối với các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ về tệ nạn ma túy như các bar, pub… Đồng thời thống kê chính xác, thường xuyên, lập danh sách cụ thể người nghiện và người sử dụng trái phép ma túy ngay từ hộ gia đình, tổ dân phố, không để đối tượng ngoài danh sách quản lý.

Quang cảnh buổi giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống ma tuý trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2019 tại một số quận, huyện

Tại buổi giám sát, các quận, huyện kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tạo sự đồng bộ giữa Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến việc áp dụng và thi hành luật thống nhất, phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị cần rà soát, sửa đổi thống nhất hình thức, phương thức quản lý sau cai nghiện được quy định tại Luật Phòng, chống ma túy và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để tổ chức thực hiện phù hợp tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma túy phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan tham gia lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính được giao quyền hoặc ủy quyền cho cấp phó như trong thực hiện thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính.

UBND Quận 12 kiến nghị Quốc hội cần có hướng dẫn cụ thể điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và khoản 1 điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện dưới 18 tuổi. Có quy định cho gia đình có người nghiện dưới 18 tuổi cách thức quản lý, hình thức cai nghiện tự nguyện, hướng dẫn cụ thể về người nghiện ma túy dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập cơ sở cai nghiện dành riêng cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi gồm diện tự nguyện và bắt buộc giúp công tác quản lý, lập hồ sơ đưa người nghiện trong độ tuổi này cai nghiện.

Theo UBND Quận 6, khi phát hiện đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý cần đưa vào cơ sở cai nghiện để cắt cơn, điều trị ngay trong thời gian lập hồ sơ.

Tại buổi giám sát, một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma tuý tại địa bàn cơ sở, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân, người uy tín trong đồng bào các dân tộc, chức sắc tôn giáo, đoàn viên, hội viên tham gia phòng chống ma tuý.

Kết luận tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, qua thực tế giám sát, tiếp xúc cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị cử tri về công tác phòng chống ma túy, nhiều cử tri đề nghị sửa Luật theo hướng tăng nặng mức xử phạt với hành vi mua bán chất ma túy.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận tất cả những kiến nghị của UBND các quận, huyện. Sau buổi giám sát tại UBND TP, đoàn sẽ chính thức kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành liên quan về các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới./.

Long Hồ/hcmcpv.org.vn