Chiều 12/3, UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức họp sơ kết một năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP). 

Trước đó, ngày 11/3/2017, UBND TP.Hồ Chí Minh đã trao Quyết định công bố thành lập Ban Quản lý ATTP Thành phố. Sau khi thành lập, trên cơ sở quy chế, Ban Quản lý ATTP bắt tay vào sắp xếp tổ chức tổ chức với 6 phòng chức năng, 8 đội Quản lý ATTP liên quận - huyện và 2 đội Quản lý ATTP tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm (chợ Hóc Môn và chợ Bình Điền).

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, sau một năm đi vào hoạt động thí điểm, mô hình thí điểm này đã đạt nhiều hiệu quả trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn. 

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để xử lý nghiêm những vi phạm trong ATTP cần có những quy định rõ ràng (Ảnh: VL)

Mô hình quản lý của Ban Quản lý ATTP tạo ra sự thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác quản lý an toàn thực phẩm mà trước đây được phân cấp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế và Sở Công thương, tạo nên sự thuận lợi, nhất quán từ khâu cấp phép, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát mối nguy, chất lượng thực phẩm. Các đội quản lý ATTP liên quận, huyện có trụ sở đóng trực tiếp trên địa bàn quản lý, đồng thời là thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận-huyện đã tạo ra mạng lưới quản lý rộng, toàn diện và trực tiếp tại địa phương góp phần nắm bắt địa bàn nhanh chóng, quản lý sát và kịp thời, công tác phối hợp với các ban, ngành đơn vị tại địa phương diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều so với sự phối hợp từ các đơn vị sở, ngành như trước.

Trong năm 2017, đã triển khai lấy 3.649 mẫu thực phẩm nhằm giám sát độ an toàn của thực phẩm sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố. Thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm, và đã thực hiện 2.730 mẫu kiểm nghiệm trong đó có 314 mẫu thực phẩm với kết quả 161 mẫu đạt chuẩn ATTP, 31 mẫu không đạt.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, tính tới ngày 28/2/2018, Ban Quản lý ATTP đã thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%), ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt là hơn 1,4 tỷ đồng (đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt dự kiến là hơn 800 triệu đồng (con số này chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận- huyện). Ngoài ra, các đội Quản lý An toàn thực phẩm đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Lan, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong xử lý vi phạm đối với các mặt hàng nông sản tươi sống (đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn. Quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, gây mất sức cho đội ngũ quản lý và tạo tâm lý cầu an, né tránh. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y vẫn còn rất phức tạp và bất cập, mức phạt chưa đủ tính răn đe.

Vấn đề kiểm soát không để phụ gia công nghiệp trà trộn với phụ gia thực phẩm vẫn chưa có quy định phù hợp…

Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, bà Lan cho biết sẽ tiếp tục thực hiện theo chiều sâu các kế hoạch về xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên cơ sở sắp xếp kiện toàn bộ máy, tăng cường nguồn lực, tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh truyền thông. Trong năm 2018, Ban Quản lý ATTP Thành phố sẽ tập trung thanh, kiểm tra theo chuyên đề: các cơ sở không phép, phụ gia, thực phẩm chức năng, nước đá… Ban cũng sẽ chú trọng đặc biệt tới ATTP trong các bếp ăn tập thể cho đối tượng học sinh, sinh viên và công nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao kết quả 1 năm hoạt động của Ban Quản lý ATTP, đã tạo sự đồng thuận của các sở, ngành cũng như tạo sự đồng thuận của xã hội. “Kết quả đã minh chứng cho chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố khi xin Chính phủ cho thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP là đúng đắn”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, yêu cầu đặt ra là làm sao giữ được an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Công tác này rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, do đó, trong thời gian tới, cần sự nỗ lực và quyết tâm cao của Ban Quản lý ATTP Thành phố; sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã. Công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP cần phải tiếp tục đẩy mạnh, xử lý nhanh, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông; không ngừng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên môn.

“Mục tiêu của Thành phố là nói không với thực phẩm bẩn, xử lý thực phẩm bẩn tận gốc và hướng đến việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Để có thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh đó là trách nhiệm của toàn xã hội, mà trước hết là của cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó tới trách nhiệm của doanh nghiệp và sự chung tay của người dân”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh./.

VL