Khó khăn nguồn vốn

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, công tác di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh, rạch đối với nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách có 52 dự án, quy mô di dời 14.403 căn, dự kiến kinh phí bồi thường khoảng 22.381,7 tỷ đồng.

Trong năm 2017, TP đã giải phóng mặt bằng 502 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc 8 dự án, chủ yếu từ các dự án đang triển khai của giai đoạn trước đây.

UBND TP đã ghi vốn chuẩn bị đầu tư cho 13 dự án với tổng chi phí khoảng 9,35 tỷ đồng, để UBND các quận - huyện triển khai thực hiện công tác điều tra xã hội học, khảo sát, đo vẽ, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường... Ngoài ra, còn có một số dự án quy mô lớn cần kêu gọi nguồn lực từ xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, công tác chỉnh trang đô thị là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ và chính quyền TP. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Có thể nói, khó khăn về nguồn vốn đầu tư là rất lớn.


Một dòng kênh chạy qua địa phận quận 8.

Trước đây, Chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, các khoản hỗ trợ tài chính, vốn vay IDA từ Ngân hàng Thế giới.

Hiện nay, ngân sách của TP đang cùng lúc phải cân đối cho các chương trình đột phá khác cộng thêm, theo định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2016-2020 được báo cáo Quốc hội thì tỷ lệ ngân sách TP Hồ Chí Minh được giữ lại giảm, nên trong thời gian tới, việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ bị cắt giảm.

Đồng thời, kể từ tháng 7-2017, Ngân hàng Thế giới đã chấm dứt cho vay vốn IDA với Việt Nam, phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường; nguồn vốn IDA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay IDA như trên, việc đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư các dự án hạ tầng cũng như cho Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch càng thêm cấp thiết. 

Huy động nguồn lực xã hội

Để đạt mục tiêu đặt ra, TP Hồ Chí Minh chủ trương huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, giảm tối đa việc chi từ ngân sách nhà nước.

Để đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho dự án, TP phải thu xếp được quỹ đất khác có giá trị tương đương để bù đắp phần kinh phí thiếu hụt giữa giá trị quỹ đất và chi phí đầu tư bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 73 dự án BT đang triển khai, cần cân đối quỹ đất có giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư. Thời gian qua, các dự án nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư thực hiện, bước đầu làm thay đổi bộ mặt những dòng “kênh đen”.

Quỹ đất sạch hình thành sau khi di dời, giải tỏa toàn bộ sẽ tạo ra môi trường đầu tư xây dựng, phát triển các công trình thương mại, dịch vụ, căn hộ chung cư cao tầng và tuyến du lịch ven sông.

Đây là tiền đề để góp phần hoàn thiện quy hoạch chỉnh trang đô thị, sớm hình thành và phát triển các dự án phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch, giao thông thủy kết hợp tuyến đường bộ dọc kênh mang lại đặc trưng “trên bến dưới thuyền” của khu vực.

Rất nhiều doanh nghiệp muốn chung tay cùng TP thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian (khoảng 29 tháng, đối với trường hợp đấu thầu; 27 tháng, đối với chỉ định nhà đầu tư), trong khi nhiệm vụ đang rất cấp bách.

Với quy mô di dời và tái định cư khoảng 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch trong giai đoạn 2016-2020, quỹ nhà tái định cư hiện không đủ đáp ứng. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, nhiều ý kiến cho rằng TP cũng cần có cơ chế đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư. 

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, để đảm bảo tiến độ các dự án, trong thời gian tới sẽ xây dựng, ban hành kế hoạch riêng về thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị của từng địa bàn quận - huyện.

Trong đó, xác định cụ thể mục tiêu, tiến độ thực hiện cho từng nhóm công việc (gồm: di dời nhà trên và ven kênh rạch; cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ); xây dựng kế hoạch phát triển các dự án tạo quỹ nhà ở xã hội trên mỗi địa bàn quận - huyện để phục vụ công tác tái định cư (thông qua các hình thức: rà soát quỹ đất do quận - huyện trực tiếp quản lý để đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách; hoán đổi quỹ đất tạo quỹ nhà ở xã hội; tạo điều kiện, khuyến khích tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách).

Một trong những dự án lớn TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư xã hội hóa là dự án chỉnh trang đô thị bờ Nam kênh Đôi. Phạm vi dự án ảnh hưởng 5.055 căn nhà, quy mô 75,05ha. Dự kiến, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 12.800 tỷ đồng; phạm vi di dời giải tỏa ra tới đường Phạm Thế Hiển; đồng thời điều chỉnh giảm hành lang bảo vệ kênh Đôi từ 30m còn 13m, quỹ đất sạch dự kiến thực hiện dự án theo hợp đồng BT khoảng 23ha./.

ĐỖ TRÀ GIANG/sggp.org.vn