Làm mành trúc xuất khẩu ở huyện Củ Chi. (Ảnh: K.V)

Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đến năm 2020. Chương trình này tập trung vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được Thành phố xác định và lựa chọn, bao gồm: rau, hoa cây cảnh, bò sữa, lợn, tôm nước lợ và cá cảnh.

Sáu sản phẩm thuộc sáu làng nghề truyền thống trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh bao gồm: Làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đồng, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

Ba sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành thành phố, bao gồm: khô cá dứa Cần Giờ, khô cá sặc Củ Chi, tổ yến Cần Giờ và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền của huyện Cần Giờ, đó là xoài cát Long Hòa.

Hiện TP.Hồ Chí Minh có các làng nghề truyền thống là: Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) có 10 doanh nghiệp, 55 cơ sở, 1 hợp tác xã làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, 83 hộ tham gia sản xuất; làng nghề có 2 hình thức sản xuất là tráng bánh thủ công và tráng máy.

Làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi) có 1 cơ sở đan lát, 7 tổ hợp tác và 195 hộ tham gia sản xuất, trong đó 32 hộ là thành viên của 7 tổ hợp tác.

Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) có 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh mành trúc; 400 hộ gia công mành trúc.

Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) có 1 tổ ngành nghề, 55 hộ tham gia sản xuất, trong đó 33/55 hộ là thành viên của tổ ngành nghề.

Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) có 2 doanh nghiệp, 4 tổ hợp tác, 124 thành viên tham gia sản xuất. Làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) có 475 hộ tham gia sản xuất, năng suất muối bình quân đạt 75 tấn/ha/năm, tổng sản lượng đạt 43.800 tấn/năm; diện tích sản xuất muối của làng nghề 584 ha, trong đó 100% diện tích sản xuất theo phương pháp kết tinh trên nền ruộng trải bạt.

Ngoài ra, 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành Thành phố là khô cá dứa Cần Giờ có 66 cơ sở chế biến thủy hải sản, với 240 lao động; khô cá sặc Củ Chi tập trung tại xã Phước Hiệp có 7 hộ tham gia, sản lượng khoảng 80 tấn/năm; sản phẩm tổ yến Cần Giờ có 231 nhà nuôi yến, sản lượng khai thác bình quân đạt 5,4 tấn/năm và sản phẩm xoài cát Long Hòa, huyện Cần Giờ với 535 hộ trồng, diện tích 235 ha, sản lượng bình quân đạt 1.500 tấn/năm.

Được biết, nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% trên tổng GRDP của Thành phố. Sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng từ 15% đến 20% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Với dân số ngày càng tăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.Hồ Chí Minh cũng ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu về chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, giá trị dinh dưỡng cao.

Chính vì thế, việc TP.Hồ Chí Minh ban hành đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố là cần thiết cho thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống cho người dân nông thôn, thực hiện hiệu quả tiêu chí “Sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị. Xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và ngành nghề nông thôn đặc trưng vùng nông thôn thành phố thành thương hiệu trên phạm vi cả nước và định hướng đến thị trường quốc tế.

Để Chương trình này đi vào thực chất, TP.Hồ Chí Minh cũng đã ban hành các giải pháp thực hiện, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện chương trình. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển kinh tế tập thể và chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã, hộ dân được lựa chọn tham gia chương trình đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống, 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành thành phố và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền của huyện Cần Giờ.

Được biết, mục tiêu của chương trình là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình. Phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình./.

K.V