Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7 chủ trì Hội nghị.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, Đề án Nâng cấp Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh thành Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia và đề xuất phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Đa-vít là rất cần thiết, có giá trị lịch sử văn hóa cao. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ và giới thiệu đến bạn bè thế giới khi tới thăm Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh Hội nghị.

Việc quy hoạch Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh vào hệ thống Bảo tàng quốc gia là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu thập, lưu giữ, bảo quản, giới thiệu về ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của Chiến dịch Hồ Chí Minh đối với lịch sử dân tộc. Phục dựng di tích lịch sử quốc gia Trại Đa-vít, nơi lưu giữ những giá trị thể hiện tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris, có giá trị lớn về giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, công tác nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những trao đổi về tiến trình triển khai Đề án nâng cấp Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh thành Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và đề xuất phục dựng Trại Đa-vít; bàn phương hướng tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quá trình triển khai như, vấn đề thẩm quyền chủ thể quản lý phục dựng Trại Đa-vít, đề án phụ trợ của Đề án quy hoạch Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam kết luận Hội nghị.

Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, nội dung được bàn thảo trong buổi làm việc là rất hữu ích, giúp các đơn vị hữu quan tiếp tục hợp tác đẩy mạnh tiến độ triển khai Đề án quy hoạch Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và phục dựng Trại Đa-vít. Tầm vóc lịch sử và ý nghĩa to lớn của Chiến dịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cần thiết có một bảo tàng chuyên ngành, chuyên đề về chiến dịch này.

Bộ Quốc phòng thống nhất quan điểm sẽ vận động, kêu gọi nhiều nguồn lực cho hoạt động đầu tư xây dựng bảo tàng, trong đó kế thừa hiệu quả cơ sở vật chất hạ tầng đã có. Đơn vị chuyên môn của Quân khu 7 cần nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác sưu tầm, trưng bày, giới thiệu hiện vật lịch sử có tích hợp những tiến bộ công nghệ để thu hút người xem, nâng cao hiệu quả thuyết phục, giáo dục. 

Bộ Quốc phòng đề nghị, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ giải quyết vấn đề thẩm quyền pháp lý trong triển khai đề xuất phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Đa-vít. Bên cạnh đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hợp tác, hỗ trợ để Đề án quy hoạch Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và phục dựng Trại Đa-vít hoàn thành trước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bày tỏ nhất trí với ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, chủ trương quy hoạch xây dựng Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh là rất đúng đắn, mang ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc. Theo đó, đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 tiếp thu ý kiến của đơn vị chuyên môn, tiếp tục hoàn thiện Đề án, xây dựng các dự án thành phần để đảm bảo tính hiệu quả và tầm vóc của Đề án. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cam kết sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ về mặt chuyên môn để đảm bảo sau khi được phê duyệt, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ hoạt động hiệu quả, có sự kết nối với các thiết chế văn hóa của thành phố.

 

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham quan khu trưng bày về Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân khu 7.

Về đề xuất phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Đa-vít, bà Trịnh Thị Thủy cho rằng, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần bàn bạc, thực hiện các quy trình pháp lý theo quy định về chủ quyền xây dựng dự án và trực tiếp quản lý dự án. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn ủng hộ, sẽ hỗ trợ Bộ Quốc phòng về các vấn đề chuyên môn liên quan để công tác phục dựng Trại Đa-vít đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh, những người quan tâm tới lịch sử quân sự Việt Nam.

Trại Đa-vít là trụ sở Ban Liên hợp quân sự hai bên, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của hai phái đoàn quân sự Đoàn đại biểu quân sự Trung ương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam từ 28/1/1973 - 30/4/1975, để thi hành Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Trại Đa-vít là vùng đất đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của cách mạng, vùng đất giải phóng đầu tiên nhờ thắng lợi của Hiệp định Paris./.

Tin, ảnh: Xuân Khu/TTXVN