Một vụ cháy xưởng gỗ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: CSPCCCTP.Hồ Chí Minh)

Cụ thể như vụ cháy 3000m2 kho chứa pallet gỗ trên địa bàn quận 8 xảy ra ngày 14/1; vụ hỏa hoạn thiêu rụi hàng trăm m2 cơ sở chế biến gỗ trong hẻm trên đường TX13 thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12 vào trưa 26/3; hay tiếp đó cũng trên địa bàn quận 12, vào đêm 19/4, khói lửa bất ngờ bùng lên dữ dội từ xưởng gỗ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng - trang trí nội thất Nam Thiên Phát khiến nhiều người hoảng loạn bỏ chạy... Đa số các vụ cháy cơ sở kinh doanh ngành hàng về gỗ đều là vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, gây bất an cho dư luận và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, kinh tế, trật tự xã hội...v.v...

Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, hiện có hàng trăm cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng về gỗ thực sự góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động. Tuy nhiên đây cũng là nhóm đối tượng cơ sở luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao.

Mặc dù thiệt hại sau mỗi vụ hỏa hoạn là rất nghiêm trọng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp chỉ chú ý đến gia tăng doanh số và lợi nhuận, chứ ít quan tâm đầu tư máy móc, hệ thống dây dẫn điện, hút bụi liên nhà xưởng, chống cháy theo khuyến cáo của ngành chức năng. Vì vậy nguy cơ cháy nổ vẫn luôn rình rập, đe dọa đến an toàn của công nhân lao động và an ninh trật tự trong khu vực.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TP.Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ nhà xưởng trong thời gian qua là do ý thức của chủ doanh nghiệp và người lao động; hệ thống máy móc sử dụng lâu ngày, nhà xưởng xuống cấp, nhất là việc kéo nối điện tùy tiện trong khu vực sản xuất… dẫn đến hậu quả khôn lường. Bản thân gỗ nguyên liệu đã là một chất dễ cháy. Trong quá trình gia công, chế tác gỗ sẽ sinh ra nhiều phế phẩm khác gồm: bụi gỗ, mùn cưa, phôi bào hay gỗ vụn, tất cả đều rất dễ bắt lửa. Ngoài ra, các phụ gia như: sơn, dầu bóng và một số dung môi hóa chất khác dùng để bảo quản chất lượng, tăng tính thẩm mỹ cho những thành phẩm được chế biến từ gỗ cũng góp tạo ra môi trường dễ phát sinh cháy, nổ. Thêm nữa, việc sử dụng điện phục vụ sản xuất không đảm bảo an toàn, sự bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa để sấy gỗ và thiếu kiểm soát nguồn nhiệt tỏa ra từ quá trình vận hành máy móc, hay vệ sinh công nghiệp không đảm bảo... chính là những nguy cơ hàng đầu dẫn đến hỏa hoạn tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất gỗ. Trong khi đó không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn xem nhẹ những điều kiện về an toàn lối thoát nạn, cũng như trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy ban đầu...v.v...

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất đồ gỗ; Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo người đứng đầu doanh nghiệp phải dành sự quan tâm, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm đối với công tác phòng chống cháy, nổ ngay tại cơ sở của mình. Các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành hàng về gỗ phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy, như: lập hồ sơ pháp lý; trang bị dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ, xây dựng và tập huấn cho đội ngũ phòng cháy chữa cháy cơ sở; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Các cơ sở phải thường xuyên tự kiểm tra những điều kiện về phòng cháy chữa cháy; thực hiện tốt chế độ trực gác để kịp thời phát hiện, xử lý cháy nổ khi vừa mới phát sinh. Ngoài ra, cẩn thận đối với việc sử dụng các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt... cũng là một biện pháp phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất gỗ.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng cháy nổ nhà xưởng chế biến, sản xuất gỗ, nhất là vào những ngày cao điểm nắng nóng, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TP.Hồ Chí Minh đã lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất chế biến gỗ, rà soát lại toàn bộ việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy, điều kiện về giao thông phục vụ chữa cháy, ngăn cháy; hệ thống điện sản xuất, điện bảo vệ và đặc biệt là kiểm tra hệ thống thông gió cưỡng bức tại khu vực sơn, đường ống của hệ thống này phải làm bằng vật liệu không cháy, phòng nổ… Đơn vị cũng xử phạt nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở không thực hiện đúng luật chuyên ngành và các hướng dẫn chuyên môn về phòng cháy chữa cháy nhằm tránh thiệt hại, nhất là về con người trong các cơ sở chế biến gỗ./.

K.V