Tiêu hủy hàng giả tại TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: CA TP.HCM)

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi phức tạp, nhất là những dịp giáp Tết Nguyên đán. Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện với chức năng, nhiệm vụ được giao cần chủ động thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và của Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm góp phần đảm bảo tình hình an trật tự, ổn định phát triển kinh tế của Thành phố.

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa thường rất sôi động do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm và cơ hội để các hàng hóa kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả trà trộn vào thị trường. Song song với việc đảm bảo nguồn hàng phục vụ cho người dân, các cơ quan chức năng của Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh; có giải pháp ngăn chặn kịp thời hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Căn cứ kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tể và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan. Cảnh giác đấu tranh với hiện tượng lợi dụng hệ thống thông quan tự động để khai báo không đúng so với thực tế hàng hóa nhằm mục đích qua hệ thống phân luồng xanh; không khai báo hoặc khai báo sai về tên hàng, số lượng, trọng lượng, xuất xứ, mã số thuế; lợi dụng lỗi hệ thống để giả mạo hồ sơ, chứng từ làm thủ tục hải quan.

Chi cục Quản lý thị trường Thành phố tăng cường công tác trinh sát, phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành,... tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục nhất là các địa bàn trọng điểm; bảo đảm kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... trên địa bàn thành phố. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt bằng lương thực, thực phẩm; pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, bia, nước giải khát....

Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hồ Chí Minh, ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát lại tất cả các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành (đặc biệt là các quyết định xử phạt về thuốc lá), khẩn trương đôn đốc thực hiện hoặc thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ số hàng hóa vi phạm, tang vật vi phạm còn tồn đọng (trong đó có xe gắn máy hai bánh) trong thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành án và giai đoạn thực hiện tố tụng hình sự còn kéo dài, khẩn trương xử lý theo đúng quy định pháp luật để giải phóng kho, thu tiền bán hàng tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hồ Chí Minh theo dõi thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo quy định; cập nhật các vấn đề khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành thành báo cáo riêng trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo.

Được biết, trong năm 2017, lực lượng chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 31.263 vụ vi phạm, gồm 3.025 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 27.504 vụ gian lận thương mại và 734 vụ hàng giả; thu nộp ngân sách đạt 4.377 tỷ 954 đồng; khởi tố 41 vụ với 64 đối tượng./.

K.V