Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng Khoa Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong những ngày vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phát hiện một số trẻ đang điều trị tại bệnh viện có triệu chứng sốt, nổi phát ban. Qua xét nghiệm, 15/25 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút sởi. Đây là tình trạng tăng đột biến ca sởi tại một bệnh viện tuyến cuối của miền Nam.

Cụ thể, tại phòng khám của Bệnh viện, trong tháng 7 có 5 trường hợp thì sang tháng 8 đã phát hiện 10 trường hợp và những ngày đầu tháng 9 đã phát hiện 6 trường hợp. Đối với điều trị nội trú, bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị nội trú trong tháng 7 có 6 trường hợp, trong tháng 8 có tới 13 trường hợp và hiện nay là khoảng hơn 20 trường hợp.

Đáng lưu ý, trong đó có đến 9-10 trường hợp trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi. Đây là những trường hợp chưa đến thời điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Số còn lại thuộc về các trường hợp chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi không đầy đủ, bác sĩ Thu cho biết thêm.

     Trẻ được tiêm phòng vắc xin sởi tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.
 Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Trong số các bệnh nhân đang điều trị sởi tại bệnh viện, ngoài địa bàn TP.Hồ Chí Minh, bệnh nhân còn tới từ một số tỉnh thành khác phía Nam, trong đó chủ yếu là các tỉnh Đông Nam Bộ.

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm sởi tại bệnh viện, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã khẩn trương triển khai các biện pháp cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo cũng như tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh khi có biểu hiện mắc sởi.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tuần cuối tháng 8 đầu tháng 9, bệnh viện đã tiếp nhận 3 trẻ em mắc sởi. Đáng lưu ý là cả 3 trường hợp này đều xảy ra ở trẻ dưới 9 tháng tuổi với những biểu hiện sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi.

Theo Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là dấu hiệu bất thường khi vài năm trở lại đây, bệnh sởi chưa từng bùng phát và có nhiều ca nhập viện điều trị như vậy. Một điều đáng lo ngại là hầu hết các ca mắc bệnh sởi đều là trẻ dưới 9 tháng tuổi, độ tuổi chưa tiêm chủng sởi, chỉ dựa vào sữa mẹ có kháng thể là chính.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thu, các con số thống kê trên chỉ là các trường hợp nặng nhập viện, tuy nhiên, số liệu ngoài cộng đồng thì không thể nắm hết được, do có thể phụ huynh đưa các bé tới các cơ sở y tế tư nhân khám,hoặc điều trị tại nhà. “Con số ngoài cộng đồng mới là những con số đáng lo ngại. Do đó, để kiểm soát bệnh sởi, chúng ta cần phải kiểm soát được những con số này ngoài cộng đồng”, bác sĩ Thu chia sẻ.

Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay, theo bác sĩ Thu là chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân đưa trẻ đi chủng ngừa vắc xin sởi.

Lý giải về nguyên nhân hiện nay một số ca sởi xuất hiện, bác sĩ Thu cho biết, năm 2014, dịch sởi lan rộng, người dân đăng ký chích ngừa tăng mạnh, khiến cho vắc xin sởi hết sạch. Kết quả, 1 năm sau đó, bệnh viện Nhi đồng 2 không phát hiện bất kỳ một ca sởi nào kể cả nội và ngoại trú. Sau vài năm có thể người dân lơ là, chủ quan hoặc do phụ huynh của các bé bị nhiễm sởi hiện nay thì lúc đó ( năm 2014) chưa có con, do đó có thể chưa quan tâm, chưa ý thức được tầm quan trọng của vắc xin sởi nên chưa cho con tham gia chích ngừa đầy đủ.

Bác sĩ Thu cho rằng, theo nghiên cứu, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào mùa Đông Xuân song điều đó chỉ đúng ở khu vực phía Bắc, còn đối với khu vực miền Nam thì gần như bệnh rải rác quanh năm. Đặc biệt thời tiết gần đây khá phức tạp, không khí ẩm, mưa nhiều khiến cho các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, phát tán nhiều hơn.

Thêm vào đó, trong bối cảnh giao thương đi lại thuận lợi, việc lây lan bệnh giữa các vùng miền là rất dễ dàng đối với các cá thể và cộng đồng chưa có miễn dịch với vi rút sởi. Đồng thời, do sự phát triển của xã hội, dân cư đông, dân nhập cư nhiều, khiến cho nhiều địa phương khó kiểm soát chặt chẽ về hộ khẩu, hộ tịch. Điều này cũng khiến cho việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều trường hợp khi đến bệnh viện họ khai địa chỉ khác so với địa chỉ họ đang cư trú thực tế, do đó khi phát hiện ca bệnh, công tác đi chống dịch không dễ dàng.

Trước thực trạng trên, các bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa và phòng bệnh sởi thì việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi được 18 tháng.

Đối với những trẻ chưa chưa tiêm phải khẩn trương đưa trẻ đến trạm y tế phường xã để được khám, tư vấn tiêm bù vắc xin sởi càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp phòng, chống sởi như vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phải hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt phát ban. Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng sốt hoặc phát ban phải đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để khám, điều trị. Khi có các biểu hiện mắc sởi thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý kịp thời và điều trị thích hợp, phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Hiện, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị dự phòng, các phòng y tế không được chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, phải chú ý từng ca bệnh đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị, các cơ sở y tế phải hết sức lưu ý không để các ca bệnh khi nhập viện trở thành yếu tố gây bùng phát dịch bệnh./.

VL