Một bến xe buýt ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
(Ảnh: K.V)

Đồng thời, đơn vị cũng tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, khối lượng vận tải hành khách công cộng với mục tiêu “lấy hành khách, người dân là đối tượng phục vụ” và sử dụng hiệu quả kinh phí trợ giá xe buýt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng. Mặt khác, nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt nhằm tăng cường độ bao phủ mạng lưới, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; trong năm 2018 phấn đấu mở mới ít nhất 10 tuyến.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, năm 2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung chính vào một số nội dung chính như triển khai lập quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 và hoàn chỉnh đề án Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng taxi trên địa bàn Thành phố đến năm 2025. Cùng với đó, triển khai mở mới các tuyến xe buýt để phục vụ người dân tốt hơn, trong đó tập trung tổ chức các tuyến xe buýt tại Bến xe miền Đông mới, kết nối các tuyến buýt đường sông; đầu tư đổi mới đoàn phương tiện, tiếp tục trình Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh về đề án đầu tư phương tiện giai đoạn 2018 - 2020.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung, tăng cường công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi xe buýt. Cụ thể, nghiên cứu đề xuất phương án kết nối các tuyến xe buýt thu gom với tuyến Metro số 1; tổ chức làn ưu tiên và làn dành riêng cho xe buýt trên trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ; nghiên cứu đề xuất tổ chức bãi giữ xe 2 bánh cho hành khách sử dụng xe buýt tại các bến xe buýt và khu vực của ngõ TP; phối hợp với các đơn vị bố trí điểm đón trả khách phục vụ các tuyến đưa rước học sinh, công nhân. Phát triển các bến bãi mới phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng như xây dựng các bến xe buýt Tân Quy, Bến Súc, An Nhơn Tây, Khu Chế xuất Linh Trung 2, Hóc Môn, Lê Minh Xuân; điểm trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân; nâng cấp bến xe buýt Chợ Lớn, Tân Phú. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai mở rộng các bảng điện tử thông tin giờ xe buýt đến trạm để người dân dễ dàng đón xe buýt, triển khai đầu tư hệ thống vé xe buýt thông minh.

Cùng với đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hồ Chí Minh trình Uỷ ban nhân dân Thành phố, Sở Giao thông vận tải Thành phố để ban hành các cơ chế chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng như hoàn chỉnh đề án xây dựng phương án vé và phương pháp tính trợ giá nhằm thu hút các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ. Triển khai đề án đổi mới mô hình quản lý của các hợp tác xã vận tải xe buýt hướng đến việc phát triển doanh nghiệp vận tải theo mô hình quản lý tập trung. Triển khai mở rộng đề án thí điểm quảng cáo bên ngoài thân xe buýt trên tất cả các tuyến xe buýt để tạo nguồn thu giảm một phần kinh phí trợ giá từ ngân sách.

Liên quan đến việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng khách đi lại bằng buýt đường sông đã tăng cao. Các phương tiện phục vụ tại bến thủy nội địa trên địa bàn Thành phố đã vận chuyển gần 60.700 lượt hành khách. Trong đó, buýt sông vận chuyển hơn 42.290 lượt hành khách, tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu vận chuyển hơn 8.500 lượt hành khách, các bến còn lại hơn 9.900 lượt hành khách, tăng 99% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các bến khách ngang sông đã vận chuyển 221.563 lượt hành khách, tăng 2,26% so với cùng kỳ; bến phà Cát Lái vận chuyển 645.916 lượt hành khách, tăng 9% so với cùng kỳ; Bến phà Bình Khánh vận chuyển 242.360 lượt hành khách, tăng 1,6% so với cùng kỳ./..

K.V