Ngày 19/4, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 1 năm thực hiện Thông báo số 30-TB/TW và Kết luận số 17-KT/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021.

Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP đã tổ chức quán triệt nghiêm túc đến các cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như đến các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch tinh giản biên chế trên địa bàn TP. Các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án tinh giản biên chế và đề ra lộ trình thực hiện trong 7 năm (2015-2021) và theo từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện, trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015.

Kết quả, TP đã cắt giảm 4,75% số biên chế hành chính và 10,51% số người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Khối đảng, đoàn thể thành phố và quận, huyện chủ động xây dựng lộ trình cắt giảm từ 10-30% biên chế (giai đoạn 2011-2015 giao 4.549 biên chế; năm 2018 giao 3.924 biên chế, giảm 625 nhân sự, chiếm 13,74%), hướng đến thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế của Trung ương.

Về kết quả giải quyết hồ sơ tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị, tính đến 30/6/2018 là 334 trường hợp, đến nay là 472 trường hợp, trong đó có 93 trường hợp là công chức, 170 trường hợp là viên chức; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 142 trường hợp, khối đảng – đoàn thể là 67 trường hợp. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu từ sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Đến ngày 30/6/2018, có 40 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, giảm giao biên chế 23.511 người.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

TP. Hồ Chí Minh cũng đã đẩy mạnh rà soát chức năng, nhiệm vụ cũng như sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; quy hoạch, phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp; thực hiện quy định về số lượng cấp phó lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả xây dựng cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra những mặt còn hạn chế như: Số lượng biên chế thực tế còn khá cao so với số biên chế của Trung ương giao; vẫn còn một số cấp ủy lúng túng trong tổ chức thực hiện tinh giản biên chế, nên việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chủ yếu về tinh giản biên chế, chưa chú trọng đúng mức đến việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ gắn với việc xây dựng vị trí việc làm, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; tổ chức bộ máy chưa thật sự tinh gọn, số lượng tinh giảm biên chế ít, hiệu quả công tác chưa cao….

Để thực hiện tốt hơn nữa trong việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới, tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng TP cần tiếp tục đẩy mạnh quán triệt để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng trong việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại theo Nghị quyết 39; tiếp tục rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, tuyển dụng, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ.

Một số ý kiến cũng cho rằng, TP cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng các phương pháp tổ chức lao động khoa học và công nghệ thông tin để hợp lý hoá, hiện đại hoá quy trình thực hiện công vụ; kiên quyết không đề bạt, khen thưởng cán bộ là người đứng đầu, cấp phó phụ trách thực hiện không nghiêm, không hiệu quả việc tinh giản biên chế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính ghi nhận và đánh giá cao TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết 39 có hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời đề nghị Thành ủy TP cần tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng đã đề ra; chủ động sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm đầu mối gắn với vị trí việc làm; phân công, phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng.


Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cũng lưu ý, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công với quyết tâm cao hơn, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ toàn diện, hướng đến mục tiêu năm 2021 tinh gọn bộ máy, thực hiện hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang đã nêu lên một số hạn chế trong công tác tinh giản biên chế, và cho rằng, số lượng biên chế thực tế còn khá cao so với biên chế của Trung ương giao. Mặc dù có quyết liệt trong tinh giản biên chế, nhưng chưa đạt yêu cầu vì TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt có khối lượng công việc rất lớn.

Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các cơ quan tham mưu Thành ủy, các đơn vị có liên quan cần tập trung, chỉ đạo quyết liệt, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, kịp thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng cần trao đổi học tập kinh nghiệm trong cách làm, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện việc tinh giản biên chế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

VL