Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo (Ảnh: Lê Anh)

Ngày 14/5, Sở Công Thương và Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh”.

TP. Hồ Chí Minh đã xác định 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2018 – 2020. Các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; sản phẩm thực phẩm chế biến; sản phẩm đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; sản phẩm trang phục may sẵn. Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng: sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu.

Để phục vụ cho chương trình này, Thành phố cũng tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; chú trọng vào cơ chế xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu. Qua đó, từng bước hình thành, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu vấn đề làm sao để xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc hình thành, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, tính đến năm 2019 Thành phố có nhiều gói chính sách hỗ trợ chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; trong đó có thể kể đến các hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết gần sáu tháng công bố danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP, trong giai đoạn này cần đa dạng giải pháp, chính sách hỗ trợ để triển khai nên việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến các tổ chức, cá nhân và thành phần kinh tế xã hội rất quan trọng. Chỉ có chính doanh nghiệp hoạt động trong từng ngành nghề, lĩnh vực mới nhận diện được khó khăn riêng của mình và cần sự tháo gỡ của các sở, ngành tương ứng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hình thành và thực hiện những chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách khoa ký kết hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Industrial Automation Advisor, phát triển sản phẩm máy móc thiết bị, dây chuyền chế biến thuỷ sản; Trung tâm hệ thống thông tin địa lý TP. Hồ Chí Minh ký kết với Công ty cổ phần công nghệ Nam Long, phát triển hệ thống IoT (Internet vạn vật) quan trắc ngập úng…

Các chuyên gia đánh giá từ những ký kết hợp tác này sẽ gắn kết nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm đa dạng lĩnh vực. Từ đó, các đơn vị sẽ nhận diện và tập trung phát triển sản phẩm ở các ngành nghề như cơ khí, công nghệ thông tin, thực phẩm, hóa dược… thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh./.

Chi Mai