Một triển lãm sản phẩm được tạo ra từ nguồn nhân lực chất lượng cao 
của TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)

Trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn cao hơn.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến năm 2020, Thành phố sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động theo hướng tự chủ tài chính. Song song với việc xây dựng 12 trường có chất lượng cao, TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

Việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra. Thí điểm thực hiện mô hình “đào tạo kép” giữa các trường cao đẳng, trung cấp với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Học sinh, sinh viên vừa học ở trường và vừa học - làm ở doanh nghiệp, tăng thời lượng thực hành. TP.Hồ Chí Minh gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu về nhân lực; tổ chức cho lao động thực tập, đánh giá kết quả đào tạo để nâng dần sự tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Theo TS Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TP.Hồ Chí Minh, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chuẩn, chất lượng cho Thành phố, việc đào tạo ở nhà trường đã có bước thay đổi lớn. Nhà trường gắn kết với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp đào tạo, giúp người học được rèn tay nghề thực tế ngay khi đang học, nhờ bám sát nhu cầu doanh nghiệp, 100% sinh viên ra trường đều có việc làm.

Tại TP.Hồ Chí Minh, hiện có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt đầu thực hiện xanh hóa khuôn viên trường học, tất cả nội dung giảng dạy đều được lồng ghép các kỹ năng xanh. Từ việc quấn mô tơ, động cơ, thay các bo mạch… được sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường; đến đơn giản như giẻ lau bảng cũng được thay thế bằng loại giẻ có thể phân hủy, phân loại rác tại nơi làm việc.

Trong những năm qua, TP.Hồ Chí Minh cũng luôn xác định việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được quan tâm hàng đầu nhằm phát triển lực lượng lao động có kiến thức, nắm bắt khoa học công nghệ, có tay nghề, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố cũng còn không ít hạn chế. Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa hiệu quả. Tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, muốn con em vào bậc đại học nhiều hơn và chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa được đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và triển khai có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn từ nay đến năm 2020 là chương trình đột phá đầu tiên trong 7 Chương trình đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh đã đề ra Chương trình hành động với nhiều mục tiêu cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đồng thời bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó vừa chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực còn thiếu, vừa quan tâm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ. Tập trung cho những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố nhanh và bền vững, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./..

K.V